Tăng tốc sản xuất tại các doanh nghiệp FDI

10:19, 20/09/2021

Việc các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… kiểm soát, khống chế thành công dịch Covid-19, đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI tại đây đang chủ động tăng tốc sản xuất, tích cực góp phần khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu kép đã đề ra.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Hanpo Vina (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh).

Nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các khu công nghiệp Bắc Ninh vẫn tiếp tục tạo sức hút đối với các nhà đầu tư có thương hiệu trên toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới 97 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 522 triệu USD (tăng gấp 1,5 lần số vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm 2020); điều chỉnh vốn cho 64 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng là 106,37 triệu USD... Bắc Ninh là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Trong sáu tháng đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh vẫn hoạt động ổn định, có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.695 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu đạt 23.823 triệu USD, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2020... Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, Bắc Ninh không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. 

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết: Trong thời gian tới, Bắc Giang có thể thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới về đầu tư, bởi yếu tố an sinh cho đời sống người lao động và sản xuất xanh đang và sẽ được tỉnh coi trọng trong tương lai.

Tám tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 871,43 triệu USD, bằng 94,41% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 175.935 tỷ đồng, bằng 51,6% kế hoạch, trong đó khu vực doanh nghiệp FDI 151.365 tỷ đồng… Những số liệu này đã cho thấy, kinh tế Bắc Giang có sự phục hồi rõ nét, nhất là sản xuất công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, lực lượng công nhân đã nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp hơn, góp phần tăng năng suất lao động và giúp doanh nghiệp “khỏe” hơn. Với việc lao động tăng cao, đơn hàng ngày càng mở rộng đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, sản lượng cũng như giá trị hàng hóa. Các tập đoàn kinh tế lớn đã linh hoạt áp dụng chính sách đãi ngộ công nhân, đồng thời tuyển dụng mới nhiều lao động như: Tập đoàn Hồng Hải tuyển số lao động mới gần 37.000 người, tăng 20%; Công ty TNHH Luxshare- ICT tuyển mới 34.000 người, tăng 37%; Công ty TNHH Lens Việt Nam tăng 53,5% lao động so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp tại Bắc Ninh và Bắc Giang vào tháng 5, tháng 6/2021, Samsung đã gặp khó khăn trong sản xuất. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền các địa phương, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Samsung đã khắc phục được. Sáu tháng đầu năm 2021, Samsung vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện tử gia dụng của Samsung tại TP Hồ Chí Minh sớm trở lại hoạt động, dự kiến Samsung sẽ thực hiện vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Tăng tốc sản xuất tại các doanh nghiệp FDI -0Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Công ty TNHH điện tử Chilisin Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng vẫn duy trì sản xuất.

Đến giữa tháng 9/2021, TP Hải Phòng được đánh giá là địa phương vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, trong tốp đầu cả nước. Việc thu hút vốn đầu tư FDI cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong dòng vốn đầu tư và là điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI của cả nước. Cùng với phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Hải Phòng quan tâm tạo dựng quan hệ thân thiện, thường xuyên trao đổi trực tiếp… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Lê Trung Kiên cho hay, cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến đầu tư, Hải Phòng tập trung triển khai các điều kiện về hạ tầng, nhất là mặt bằng tại các khu công nghiệp mới, nguồn nhân lực và nhà ở cho công nhân… để tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư lớn. Hải Phòng luôn đặt vấn đề ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm sáng tạo, sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới… 

Cuối tháng 8/2021, Công ty TNHH LG Display (LGD) Việt Nam đã quyết định đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào khu công nghiệp Tràng Duệ (TP Hải Phòng). Công ty LGD là nhà sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti-vi, màn hình LCD… Đây là lần tăng vốn thứ tư của LG và nâng tổng số vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và trở thành dự án FDI lớn nhất tại thành phố Cảng.

Với việc tăng vốn đầu tư này, LGD kỳ vọng sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6-10 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng; doanh thu xuất khẩu sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; dự kiến, số nộp ngân sách tăng thêm khoảng 25 triệu USD/năm và sẽ tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

Ông Park Jae Hong, Phó Tổng Giám đốc Công ty LGD chia sẻ: “Tôi đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của TP Hải Phòng. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp như LGD có thể yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất tại đây”. Cùng với việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, Hải Phòng tiếp tục cải cách hành chính, đối thoại, giải đáp kịp thời các ý kiến, thắc mắc của các nhà đầu tư… để chào đón, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng cơ sở đầu tư hiện tại.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, trong tám tháng đầu năm 2021, thành phố thu hút 2,8 tỷ USD từ nguồn đầu tư nước ngoài, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng mạnh đã góp phần giữ vững nhịp độ phát triển và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố Cảng ở mức cao. Trong đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 20,63% so với cùng kỳ năm trước, gấp 2,6 lần bình quân chung cả nước; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27% so cùng kỳ, riêng thu nội địa đạt hơn 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 35% so cùng kỳ...

Hiện, trên địa bàn Hải Phòng có 12 khu công nghiệp hoạt động và đã thu hút được 418 dự án FDI, với tổng số vốn 17,37 tỷ USD. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng dự kiến xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới, với tổng diện tích hơn 6.200 ha. Đây là tiền đề để Hải Phòng đạt mục tiêu thu hút đầu tư FDI 5 tỷ USD/năm trong 5 năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đã đề ra.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư, Hải Phòng nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính..., tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Để tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, Hải Phòng tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Theo/nhandan.vn