Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong kỷ nguyên số
Kế hoạch hành động quốc gia 2024-2025 về phát triển kinh tế số được ban hành theo Quyết định 1437/QĐ-TTg, với 4 trụ cột chính: Công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số theo ngành/lĩnh vực, quản trị số, và dữ liệu số.
Tóm tắt: |
Việc ban hành quyết định này phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế số và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững thông qua chuyển đổi số. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ và sự hợp tác giữa các ngành.
Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 về phát triển kinh tế số (Kế hoạch) được ban hành kèm theo Quyết định 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Kế hoạch nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số và nhằm phát triển kinh tế số dựa trên 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin (hay kinh tế số ICT), kinh tế số theo ngành/lĩnh vực, quản trị số, và dữ liệu số.
Việc ban hành quyết định này phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế số và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững thông qua chuyển đổi số. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ và sự hợp tác giữa các ngành.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: BBN)
Toàn diện và cụ thể hơn
Kế hoạch này không phải là một sáng kiến hay chương trình hành động mới trong lĩnh vực chuyển đổi số. Gần đây nhất phải kể đến việc ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020 tập trung vào việc tăng số lượng tài khoản thanh toán điện tử, mở rộng phạm vi phủ sóng cáp quang băng thông rộng và phát triển các nền tảng số cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất, và việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam (năm 2021) để giám sát các nỗ lực chuyển đổi số trên các lĩnh vực khác nhau.
Kế hoạch ban hành theo Quyết định 1437/QĐ- TTg có 4 điểm khác biệt chính so với những kế hoạch và sáng kiến trước đây. Đó là:
- Đưa ra và nhấn mạnh đến 4 trụ cột (như đã nêu trên).
- Tập trung vào dữ liệu số: Có sự nhấn mạnh mạnh mẽ hơn vào việc phát triển các bộ dữ liệu chất lượng cao, thúc đẩy lưu thông dữ liệu, chia sẻ và mở dữ liệu. Ngoài ra, việc phát triển dữ liệu số không chỉ được coi là một nguồn tài nguyên mới mà còn trở thành yếu tố sản xuất đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Điều này có nghĩa là dữ liệu số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và kinh doanh, trở thành yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế số.
- Quản trị số: Kế hoạch thúc đẩy các sáng kiến thí điểm quản trị số trong các bộ, cơ quan và địa phương, và mở rộng các nền tảng trợ lý ảo để hỗ trợ các quan chức và công dân.
- Chiến lược theo ngành/lĩnh vực: Kế hoạch mới xác định các ngành ưu tiên như thương mại bán buôn và bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất, du lịch và logistics cho phát triển kinh tế số.
Lưu ý rằng việc đề ra chiến lược theo ngành/ lĩnh vực cũng có thể coi là một bước cụ thể hóa hơn mục tiêu của Kế hoạch so với những chương trình hành động trước đây, khi đặt ra khái niệm “không gian mới” cho các hoạt động kinh tế. Các chương trình hành động trước đây ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp cũng có đề cập đến khái niệm này, nhưng nó thường được hiểu rộng hơn, bao gồm việc phát triển các nền tảng số và dữ liệu số như những yếu tố sản xuất quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong Kế hoạch lần này, “không gian mới” được cụ thể hóa hơn, tập trung vào việc phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực cụ thể, tận dụng lợi thế của từng ngành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc xác định “không gian mới” theo hướng này giúp tập trung nguồn lực và chính sách vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.
Nhìn chung, Quyết định 1437/QĐ-TTg đại diện cho một cách tiếp cận toàn diện và có mục tiêu hơn đối với chuyển đổi số, với sự tập trung rõ ràng vào dữ liệu, quản trị và chiến lược theo ngành/lĩnh vực.
Các mục tiêu tham vọng
Kế hoạch nhắm đến nhiều mục tiêu toàn diện với tầm nhìn xa nhằm thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế số của Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Kế hoạch đề ra một số mục tiêu và sáng kiến đáng chú ý, gồm:
Thứ nhất, đóng góp đáng kể vào GDP. Kế hoạch đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP của Việt Nam lên 30% vào năm 2030, tăng đáng kể so với 12% ghi nhận vào năm 2023.
Thứ hai, tích hợp toàn diện trong các ngành. Kế hoạch nhấn mạnh việc tích hợp công nghệ số trong các ngành/lĩnh vực như bán buôn và bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất, du lịch và logistics, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng và dữ liệu số. Kế hoạch chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ và bộ dữ liệu chất lượng cao, thúc đẩy việc chia sẻ và mở dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện hiệu quả, và
Thứ tư, nâng cao quản trị số. Kế hoạch cũng khuyến khích và thúc đẩy các chương trình thử nghiệm các sáng kiến quản trị số tại các bộ, ngành và địa phương, nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ công và hiệu quả hành chính thông qua các phương tiện số.
Những mục tiêu tham vọng này phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển nhanh chóng nền kinh tế số, định vị Việt Nam như một đối thủ cạnh tranh trong bối cảnh số hóa toàn cầu.
Khó khăn và thách thức
Việc triển khai thực hiện Kế hoạch tham vọng này chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, tạo nên sức ỳ và sự cản trở dẫn đến chậm chễ, không hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu đặt ra.
Trước hết, việc thực hiện các sáng kiến và mục tiêu tham vọng của Kế hoạch đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn và liên tục trong tương lai.
Các cơ quan bộ, ngành và doanh nghiệp cần một nguồn vốn lớn để thay đổi và nâng cấp các hệ thống phần cứng và phần mềm cũ, nhiều trong số này không tương thích với các nền tảng số mới, gây khó khăn trong việc tích hợp và tối ưu hóa quy trình.
Hiện tại, nguồn kinh phí chuyển đổi số có thể không phải là một vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý, công lập khi có thể dựa vào ngân sách nhà nước. Nhưng đây chắc chắn sẽ là một vấn đề không dễ giải quyết với khu vực doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không có hỗ trợ tài chính hiệu quả của Nhà nước.
Vấn đề càng trở nên bức bách hơn nếu xét đến tính tham vọng về thời gian thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch và sự thiếu vắng của các quy định pháp luật cụ thể, kịp thời và có hiệu quả về hỗ trợ tài chính chuyển đổi số cho khu vực doanh nghiệp. Những ví dụ có thể tìm thấy về sự hưởng lợi của khu vực doanh nghiệp từ hỗ trợ tài chính của Nhà nước cũng không phải là nhiều, và nếu có thì thường chỉ là cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn.
Thách thức tiếp theo là sự thiếu hụt các chuyên gia có kỹ năng trong lĩnh vực chuyển đổi số. Một công ty sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đãi ngộ, giữ chân các chuyên gia công nghệ thông tin (IT) đủ điều kiện để triển khai và quản lý các hệ thống số mới. Điều này cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức rộng hơn liên quan đến việc giáo dục, đào tạo và kinh phí thực hiện để đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo và người lao động ở mọi cấp độ có kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện và hưởng lợi từ chuyển đổi số. Và, xin nhắc lại, cần đặt nhiệm vụ này trong bối cảnh thời gian hữu hạn được quy định trong Kế hoạch.
Thách thức chính thứ ba liên quan đến quyền riêng tư và an ninh dữ liệu. Đảm bảo an ninh của dữ liệu số trước các rủi ro và mối đe dọa mạng trong quá trình chuyển đổi số sâu rộng với thời hạn ngắn là một thách thức lớn với mọi cơ quan chính phủ và doanh nghiệp. Quyền riêng tư chắc chắn sẽ có khả năng bị xâm phạm, lạm dụng nhiều hơn, gắn liền với việc thu thập nhiều dữ liệu cá nhân và tổ chức hơn.
Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng và toàn diện theo Kế hoạch sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho việc đảm bảo tuân thủ quy định trong hoạt động của các cơ quan và tổ chức. Việc theo kịp các quy định thay đổi, chẳng hạn một tổ chức tài chính phải điều chỉnh các thực hành số của mình để tuân thủ các luật bảo vệ dữ liệu mới, có thể phức tạp, tạo ra tư tưởng chây ỳ, đối phó.
Ngoài ra, cũng cần phải kể đến một số thách thức khác như tình trạng thất nghiệp có thể sẽ gia tăng như là hậu quả trực tiếp của việc tăng cường tự động hóa và chuyển đổi số; Khoảng cách, bất bình đẳng số sẽ gia tăng khi không phải ai cũng có quyền truy cập công bằng vào các công nghệ số; và Khuôn khổ pháp luật sẽ bị tụt hậu trở thành yếu tố cản trợ sự phát triển tiến bộ của chuyển đổi số khi các nhà quản lý làm chính sách bị tụt hơi trong cuộc chạy đua theo kịp tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng.
Chiến lược và giải pháp
Các mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch là tham vọng, nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ, hợp tác và cam kết giữa các ngành nhằm tạo dựng các nền tảng và điều kiện tiên quyết. Về phía Chính phủ, cần bảo đảm rằng:
- Hạ tầng số được xây dựng hoàn thiện và nâng cấp không ngừng để hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của kinh tế số. Điều này gắn liền với việc đảm bảo cung cấp, hỗ trợ tài chính đầy đủ và hiệu quả cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đầu tư thực hiện chuyển đổi số.
- Đầu tư hạ tầng số cũng phải gắn liền với đẩy mạnh giáo dục và đào tạo số để cung ứng đầy đủ nguồn nhân lực thiết yếu thực hiện chuyển đổi số trên quy mô quốc gia, cũng như đảm bảo rằng các công nghệ số có thể tiếp cận được với tất cả các phân khúc của dân số và địa bàn dân cư, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, vùng miền, hay các tầng lớp dân cư.
- Môi trường pháp lý hoàn chỉnh với các chính sách và quy định có liên quan được ban hành đầy đủ, đồng bộ và liên tục được cập nhật theo hướng tiến bộ, tích cực để tạo ra môi trường thân thiện, hỗ trợ và khuyến khích đổi mới và bảo vệ các quyền liên quan đến số hóa.
- Hợp tác công - tư được chú trọng và khuyến khích nhằm tận dụng sức mạnh của cả khu vực công và tư để thúc đẩy các sáng kiến số.
- An ninh mạng được tăng cường qua việc thực hiện các giao thức an ninh mạng mạnh mẽ và kiểm tra thường xuyên nhằm giúp bảo vệ chống lại các mối đe dọa mạng.
Đối với khu vực doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ cần thiết có điều kiện của Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, coi đây là chìa khóa để mở ra con đường phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng cần phải tích cực đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số, tận dụng các cơ hội từ kinh tế số để mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu, đồng thời chủ động nâng cao năng lực quản trị thông qua ứng dụng các công cụ quản trị số để tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Triển vọng
Có thể nói rằng, Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, với kinh tế số là một cấu thành, động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP. Cụ thể hơn, đóng góp của kinh tế số vào GDP của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng mạnh và chiếm đến 30% GDP vào năm 2030 từ con số 12% năm 2023 (theo số liệu của Trade.gov).
Kế hoạch cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao Chỉ số chuyển đổi số quốc gia thêm 48% trong 3 năm, từ 0,48 năm 2020 lên 0,71 năm 2022, với kỳ vọng đạt 0,75 vào cuối năm 2023. Ngoài ra, việc quyết liệt thực thi Kế hoạch cũng sẽ góp phần quyết định vào thành công của phát triển dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu 80% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 vào năm 2025, cung cấp dịch vụ trên nhiều nền tảng, bao gồm cả thiết bị di động.
Việc tích cực thực thi Kế hoạch còn là một động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các ngành hàng không, ngân hàng, y tế và viễn thông... ngày càng triển khai các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, như trên đã nói, chìa khóa để Kế hoạch thành công là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp vCà cộng đồng, cùng nhau vượt qua các thách thức và tận dụng các cơ hội mà kinh tế số mang lại.
Tài liệu tham khảo: [1]. Quyết định 1437/QĐ-TTg năm 2024 về Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025. [2]. Bài viết “Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông. [3]. Bài viết “Chính thức ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025” trên Tạp chí Công Thương. [4]. Bài viết “Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025” trên Báo Tin Tức. 5.Bài viết “Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025” trên Báo VnEconomy. |
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2 tháng 1+2 năm 2025)