Thời điểm chín muồi đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển

16:12, 18/02/2025

Tình hình bất định của kinh tế - chính trị thế giới đang đặt các nền kinh tế mới nổi vào “cuộc chơi” mới. Trong bối cảnh này, cùng với những áp lực đổi mới từ bên ngoài, nhu cầu cải cách, đổi mới từ bên trong cũng trở nên cần thiết để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới...

Ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành tiềm năng của Việt Nam trong lai.

 

Tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Các nước phát triển quyết định “cuộc chơi” luôn đề cao lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia, điều này có thể gây nên những cuộc chiến tranh thương mại quy mô nhỏ giữa các quốc gia và khu vực.

Giai đoạn 2025 -2030, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là hai xu thế chính, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của tất các quốc gia. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, với những thay đổi có tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, với những thay đổi lớn mang tính chu kỳ, thay đổi cấu trúc với những đột phá chưa từng có. Đặc biệt, sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ diễn ra nhanh, mạnh trong nhiều lĩnh vực đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất kinh doanh. Xu thế đổi mới công nghệ đưa đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, nhưng cũng là cơ hội cho các nước đi sau nếu biết nắm bắt và tận dụng thời cơ, thành quả phát triển của nhân loại. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, mọi biến động về kinh tế, chính trị thế giới đều tác động tới kinh tế nước ta.

Nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có, với tầm vóc đáng kể trên trường quốc tế. Kinh tế Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, đã trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Quy mô kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đã ký và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do, giao dịch thương mại quốc tế với trên 60 nền kinh tế ở khắp các châu lục, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại và thu hút đầu tư hàng đầu thế giới; tạo thời cơ và sức mạnh cho động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nền kinh tế.

Cùng với sức mạnh về thương mại hàng hoá quốc tế. Việt Nam có hệ thống chính trị và môi trường vĩ mô ổn định đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội; nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng; môi trường thể chế minh bạch, thông thoáng; vị trí địa lý thuận lợi; có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, với các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đây là các yếu tố tạo cơ hội và nâng cao vị thế kinh tế, chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo sức mạnh trong thu hút dòng vốn FDI và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ lớn đặt niềm tin và tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ đã đưa ra chính sách ưu đãi thuận lợi để thu hút công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa nền kinh tế nước ta hoà nhập vào xu hướng của Cách mạng CN 4.0, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Sự trỗi dạy của kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn khi thu hút tập đoàn công nghệ khổng lồ hàng đầu của Mỹ NVIDIA đầu tư vào Việt Nam, mở ra tiềm năng tăng trưởng của ngành AI, tạo nên động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Nắm bắt cơ hội để đất nước "vươn mình"

Đối với nước ta, 5 năm 2026 - 2030 là giai đoạn chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thực hiện khát vọng cao quý này, giai đoạn 2025 - 2045, Việt Nam cần xác lập vị thế của một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Nhìn lại quá trình phát triển đất nước trong gần 100 năm qua cho thấy Đảng ta đã hai lần nắm bắt thời cơ, thực hiện đúng thời điểm đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, đó là dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra Kỷ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Sau đó gần 3 thập kỷ, đất nước ta lại nắm bắt thời cơ thực hiện thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được giải phóng, mở ra Kỷ nguyên thống nhất, đổi mới và phát triển.

Hiện nay là thời điểm chín muồi để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm, hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, Đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Cơ hội đang đến với Đất nước, chúng ta phải kịp thời nắm bắt và hành động. Nếu chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội, có lỗi với lịch sử, với nhân dân, đất nước sẽ ngày càng tụt hậu.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

 

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, với thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa. Để đạt được các mục tiêu đặt ra không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.

Chủ động tạo ra thời cơ, thúc đẩy thời cơ

 

Để tận dụng được cơ hội, để nền kinh tế hoạt động hiệu quả trong kỷ nguyên mới, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có những biến động nhanh, khó lường; với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có, với tầm vóc đáng kể của Việt Nam trên trường quốc tế, chúng ta cần chủ động tạo ra thời cơ, thúc đẩy thời cơ, không bị động ngồi chờ thời cơ. Toàn dân đồng lòng nuôi dưỡng và thực thi khát vọng vì một Việt Nam hùng cường. Khi mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường trở thành khát vọng cháy bỏng, trên dưới đồng lòng, thì mọi khó khăn, trở ngại, mọi chông gai, phức tạp sẽ được hóa giải.

Đảng và Nhà nước khẩn trương kiến tạo, thực thi hiệu quả nền thể chế bao trùm, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân, khuyến khích đổi mới, sáng tạo sẽ thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của người dân vào các hoạt động kinh tế, tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. Các cấp có thẩm quyền cần khẩn trương xử lý rốt ráo những bất cập hiện tại, nắm bắt nhanh các vấn đề mới, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

 

Cùng với đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp dân tộc với những đột phá về chính sách, nguồn vốn; có giải pháp tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. 

Cùng với tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chúng ta cần khẩn trương xây dựng và vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các thị trường yếu tố cơ bản cấu thành nền kinh tế thị trường đầy đủ; tạo môi trường cho các thực thể trong nền kinh tế tự do kinh doanh theo tín hiệu thị trường.

Một trong những điều kiện cần quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững đó là khẩn trương, hiệu quả trong phát triển “hạ tầng cho ngày mai”. Đầu tư vào hạ tầng cho ngày mai sẽ tạo nền tảng, mở đường cho phát triển nhanh, mạnh và bền vững cho bất kỳ một quốc gia nào. Hạ tầng cho ngày mai là cơ sở hạ tầng được thiết kế và vận hành theo các tiêu chuẩn cao nhất nhằm giúp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm tất cả các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Việt Nam cần khẩn trương phát triển hạ tầng cho sản xuất, chuyền tải năng lượng sạch; hạ tầng vận tải; hạ tầng số; hạ tầng xã hội, y tế và giáo dục. Để đảm bảo đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chúng ta phải đảm bảo có đủ năng lượng sạch, vì vậy cần khẩn trương phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân. Cùng với đó, với địa hình trải dài, việc phát triển các tuyến cao tốc và đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết.

Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, cơ quan quản lý các cấp cần hoạt động 24/7 chứ không chỉ trong 8 giờ hành chính. Áp dụng công nghệ để quản lý thông minh hơn, chất lượng hơn ở mọi lúc, mọi nơi, thúc đẩy xã hội chuyển động nhanh hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn. Bộ máy nhà nước cần vận hành theo nguyên tắc tăng cường phương pháp quản lý thực tiễn; nâng cao hiệu suất và kiểm soát kết quả công việc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ tập trung quyền lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bộ máy nhà nước.

Cơ cấu lại nền kinh tế, tạo dựng mô hình kinh tế mới ưu việt

Cơ cấu lại nền kinh tế có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo dựng mô hình tăng trưởng mới ưu việt, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.

Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện dựa trên đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, đặt trong xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, từ đó có chính sách và giải pháp tập trung nguồn nhân lực, vật lực và tài lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế.

Tạo dựng và thực hiện các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tác động xấu tới môi trường; tạo ra giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với xu hướng toàn cầu, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước phải đẩy mạnh quá trình đổi mới căn bản hệ thống giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học và hệ thống dạy nghề hiện nay theo phương châm giáo dục gắn liền với lợi ích đời sống nhân dân, hướng tới khoa học, thực tiễn của đời sống, tập trung vào việc tạo ra con người mới, có kỹ năng, kỹ thuật mới vì chất lượng nguồn nhân lực chính là nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

Với sự nhậy bén, kinh nghiệm trong đánh giá tình hình và nắm bắt thời cơ; với tinh thần đột phá, đổi mới, chúng ta tin tưởng đất nước ta, dân tộc ta triệu người như một, nhất trí đồng lòng, nắm bắt thời điểm chín muồi mở ra kỷ nguyên mới cho Dân tộc, thực hiện thành công khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, lập kỳ tích Việt Nam trong thời gian không xa.