Tập trung khoanh vùng doanh nghiệp rủi ro cao, số vụ vi phạm ngành hải quan xử lý tăng 34%

09:26, 20/08/2024

Theo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), nửa đầu năm 2024, toàn ngành phát hiện 4.972 vụ vi phạm, tăng 34% so cùng. Kết quả này phần lớn nhờ tập trung phân tích các doanh nghiệp, lô hàng có rủi ro cao để kiểm soát rủi ro theo ba tuyến đường bộ, biển và hàng không...

Với tuyến hàng không, cơ quan hải quan xác định doanh nghiệp có rủi ro về mã số hàng hóa và rủi ro về nhóm mặt hàng thiết bị điện tử. 

Theo kết quả báo cáo sơ kết việc triển khai Kế hoạch kiểm soát rủi ro trọng tâm năm 2024 của ngành hải quan tại 35 đơn vị, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành phát hiện 4.972 vụ vi phạm liên quan đến 19 loại rủi ro.

SỐ VỤ VI PHẠM TĂNG 34% CÙNG KỲ

Cục Quản lý rủi ro Tổng cục Hải quan cho biết một số địa bàn cục hải quan tỉnh, thành phố phát hiện tổng số vụ vi phạm lớn liên quan đến các loại rủi ro như: Hải Phòng (1.054 vụ), TP. Hồ Chí Minh (308 vụ), Bình Dương (576 vụ), Lạng Sơn (785 vụ), Hà Nội (261 vụ), Đồng Nai (218 vụ) và Quảng Ninh (279 vụ).

Trị giá hàng vi phạm ước tính khoảng 5.876 tỷ đồng (nhiều mặt hàng chưa xác định được trị giá). Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 85,8 tỷ đồng; số tiền thuế truy thu khoảng 243,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 1.265 vụ, tương ứng với 34%".

Báo cáo của Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan).

Cùng đó, Cục Quản lý rủi ro chủ trì triển khai kiểm soát đối với một số loại rủi ro trọng điểm như: theo dõi, thu thập thông tin đối với hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh, luồng vàng trong hoạt động xuất nhập khẩu tại đơn vị hải quan các cấp; kịp thời phân tích, xử lý thông tin về các doanh nghiệp trọng điểm có dấu hiệu nghi vấn.

Qua đó, phát hiện 152 lô hàng luồng xanh và luồng vàng vi phạm được vận chuyển qua cảng biển.

Cục cũng tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro trong quản lý hàng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2024, phát hiện 66 lô hàng của 19 doanh nghiệp vi phạm với số tiền xử phạt khoảng 7,2 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm bao gồm: nhập khẩu phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu, nhập khẩu phế liệu không có giấy phép, sử dụng phế liệu nhập khẩu không đúng mục đích được miễn thuế, và khai sai số lượng, chủng loại, xuất xứ phế liệu nhập khẩu.

Dựa trên các dấu hiệu và phương thức, thủ đoạn gian lận đối với hàng hóa quá cảnh Việt Nam đi Lào và Campuchia, trong nửa đầu năm 2024, các đơn vị phân tích, lựa chọn soi chiếu 1.226 container quá cảnh và phát hiện 7 container vi phạm.

Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết cùng với việc phân tích, xác định trọng điểm, đơn vị triển khai sâu rộng kế hoạch kiểm soát rủi ro trên toàn ngành, với 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch kiểm soát rủi ro trọng điểm.

Đến nay, Cục Quản lý rủi ro tập trung thu thập thông tin, phân tích 15 địa bàn, bao gồm cả ba tuyến đường bộ, biển, hàng không và trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, kịp thời cảnh báo cho các cục hải quan tỉnh, thành phố về các rủi ro phát sinh để có biện pháp kiểm soát kịp thời.  

KIỂM SOÁT RỦI RO TẠI BA TUYẾN ĐƯỜNG

Cục cũng chủ động theo dõi, phân tích, đánh giá xu hướng dịch chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các địa bàn, kịp thời cảnh báo các rủi ro cho các đơn vị để có biện pháp kiểm soát phù hợp.

Theo đó, thứ nhất, đối với tuyến đường bộ, Cục Quản lý rủi ro chủ trì, điều phối, phân tích số liệu tập trung vào các loại rủi ro như: rủi ro về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu; rủi ro về trị giá hàng hóa; rủi ro về khai sai mã số hàng hóa (mã số HS) và mức thuế suất; rủi ro liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua cửa khẩu và qua làm thủ tục hải quan; rủi ro về số lượng, trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu…

Đồng thời, Cục Quản lý rủi ro chủ động theo dõi, phân tích, đánh giá xu hướng chuyển dịch hàng hoá xuất nhập khẩu giữa các địa bàn trong cùng phạm vi, khu vực như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh và Cao Bằng (khu vực phía Bắc); Tây Ninh, Bình Phước và Long An (khu vực phía Nam). 

Thứ hai, đối với tuyến đường biển, tăng cường xác lập, quản lý, áp dụng linh hoạt hồ sơ địa bàn, hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm, hồ sơ rủi ro phục vụ công tác xác định trọng điểm, lựa chọn soi chiếu hàng hóa.

Thực hiện phân tích, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm... để đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp và theo dõi, đánh giá kết quả áp dụng.

Từ kết quả phân tích rủi ro trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng, Cục Quản lý rủi ro đề xuất áp dụng tiêu chí phân tích đối với 37 doanh nghiệp có rủi ro cao về khai sai số lượng, chủng loại, nhãn mác và xuất xứ.

"Qua đó, phát hiện 6 vụ việc vi phạm về khai sai số lượng, chủng loại hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa có nhãn ghi không đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 2,7 tỷ đồng, tổng tiền thuế truy thu và tiền xử phạt đạt khoảng 130 triệu đồng", Cục Quản lý rủi ro chỉ rõ.

Đối với mặt hàng gỗ nhập khẩu từ châu Phi qua tuyến đường biển, Cục lựa chọn khoảng 900 container gỗ nhập khẩu có rủi ro cao để cung cấp thông tin soi chiếu. Qua đó, phát hiện 13 container có hình ảnh nghi vấn, phát hiện 2 container vi phạm.

Trong 6 tháng từ đầu năm 2024, Cục Quản lý rủi ro phân tích, xác định trọng điểm, cung cấp thông tin nghiệp vụ cho trực ban tổng cục giám sát trực tuyến 100 lô hàng có rủi ro cao. 

Kết quả phát hiện vi phạm 31 vụ gồm 26 lô hàng của năm 2024 và 5 lô hàng của năm 2023 chuyển sang. Trong đó, có 2 vụ khởi tố, 1 vụ nghi nhập khẩu hàng cấm thuộc Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES (chiếm 37,3% số tin được xử lý). 

Các hành vi vi phạm chủ yếu là nhập khẩu hàng cấm, hàng hoá không đáp ứng điều kiện nhập khẩu; khai sai số lượng, chủng loại, nhập khẩu hàng hoá không khai báo…

Thứ ba, đối với tuyến hàng không, Cục Quản lý rủi ro thực hiện thu thập thông tin và xác định doanh nghiệp có rủi ro về mã số hàng hóa; rủi ro về nhóm mặt hàng thiết bị điện tử. 

Đồng thời, thực hiện, phân tích, xác định hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh rủi ro và đánh giá rủi ro đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường hàng không và hàng quá cảnh tại địa bàn miền Bắc - Nam và thu thập thông tin doanh nghiệp rủi ro địa bàn phía Nam.

Cục Quản lý rủi ro cũng cung cấp thông tin giám sát trực tuyến tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu đường hàng không. Tính trong nửa đầu năm 2024, Cục Quản lý rủi ro cung cấp 49 tin giám sát trực tuyến, trong đó có tin 4 giám sát trực tuyến về hành khách nhập cảnh.

"Trong đó, có 18 tin giám sát trực tuyến phát hiện vi phạm, số tiền xử phạt từ các tin trong kỳ là hơn 177,6 tỷ đồng. Số tiền truy thu từ các tin trong kỳ là hơn 590,2 triệu đồng", Cục Quản lý rủi ro cho biết.

Các tin vi phạm chủ yếu là khai sai mã HS, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; khai báo trị giá thấp; nhập khẩu hàng hóa không đúng khai báo; nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu.

Điển hình, trong tháng 3/2024, qua công tác cung cấp, phân tích thông tin, xác định trọng điểm đối với hành khách xuất nhập cảnh trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam qua Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) đã phát hiện 2 đối tượng mang theo điện thoại cũ và ngoại tệ tổng trị giá vi phạm hơn 6,2 tỷ đồng.