Tàu vũ trụ SpaceX chuẩn bị thử nghiệm đột phá
Ngày 14.9, tờ Dailymail đưa tin SpaceX (Mỹ) sắp cho tàu vũ trụ Starship của tập đoàn này bay thử nghiệm khứ hồi vào tuần tới.
Từ đó, nguyên mẫu SN8 của tàu vũ trụ Starship do SpaceX nghiên cứu và phát triển hứa hẹn đưa con người tiến gần hơn với ước mơ chinh phục sao Hỏa và mặt trăng.
Trước đây, với mục tiêu chế tạo tên lửa đẩy tái sử dụng, nghĩa là có thể bay vào không gian nhiều lần, SpaceX đã phát triển các tên lửa đẩy Falcon 1, Falcon 9, Falcon Heavy và tàu vũ trụ Crew Dragon. Ngày 31.5 vừa qua, SpaceX đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon chở 2 phi hành gia NASA vào quỹ đạo trái đất và quay trở về an toàn. Hiện nay, SpaceX đang tập trung phát triển dự án tàu vũ trụ Starship với loạt các nguyên mẫu được thử nghiệm trong thời gian gần đây.
Nguyên mẫu tên lửa SN8 của tàu vũ trụ Starship
Starship sẽ là phương tiện khổng lồ mà SpaceX dự định sẽ dùng để đưa người lên Mặt Trăng và sao Hỏa trong tương lai. Con tàu vũ trụ làm từ thép không gỉ này dự kiến sẽ được phóng lên không gian nhờ bệ phóng rất mạnh mang tên Super Heavy, và cũng có khả năng quay trở về trái đất sau khi hoàn thành sứ mệnh tương tự như tên lửa Falcon 9.
Theo những gì tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu SpaceX, hứa hẹn thì khi hoàn thiện, bộ đôi Starship và Super Heavy có thể đưa khối hàng với tổng trọng lượng lên đến 100 tấn lên quỹ đạo thấp trái đất, giúp nó trở thành một trong những tên lửa mạnh mẽ nhất từng được chế tạo.
Ngoài ra, theo tiết lộ về bản thiết kế vào năm ngoái 2019, tàu vũ trụ Starship sẽ có khả năng chở tối đa 100 người, sử dụng 6 động cơ Raptor, còn tên lửa đẩy Super Heavy có 31 động cơ Raptor. Cả hai phương tiện có thể tái sử dụng với tuổi thọ kéo dài khoảng 20 - 30 năm, tương tự một chiếc máy bay.
Nói về nguyên mẫu mới nhất của Starship khi viết trên Twitter ngày 12.9, ông Elon Musk tiết lộ: “SN8 có chóp hình nón và cánh tà sẽ hoàn thiện trong khoảng một tuần tới. Nguyên mẫu mới cũng sẽ trải qua quá trình thử nghiệm bao gồm thử nghiệm lửa tĩnh và kiểm tra trên mặt đất trước khi bay lên độ cao 18.300 m (60.000 feet) và quay trở lại mặt đất thông qua hạ cánh có kiểm soát”.
Nguyên mẫu mang tên SN8 sở hữu cả phần mũi chở hàng phía trên lẫn các cánh lướt gió lắp đặt hai bên thân. Điều đặc biệt, SN8 sẽ phải tham gia vào một hành trình khứ hồi kéo dài cỡ 36 cây số, bài thử nghiệm khó đầu tiên mà nó phải thực hiện kể từ khi được ra mắt đến nay. SpaceX cũng từng thực hiện nhiều đợt thí nghiệm khác nhau nhưng chưa bao giờ đi một chặng đường xa như thế này. Cũng như những lần trước, sau khi hoàn thành bài khởi động động cơ, các chuyên gia sẽ cố gắng đưa SN8 đạt đến độ cao gần 18 cây số, sau đó đưa nó quay trở về mặt đất một cách an toàn.
Gần đây nhất, 3.9, nguyên mẫu SN6 của SpaceX đã thực hiện thử nghiệm bay quãng ngắn đến độ cao 150 m, tương tự độ cao trước đó mà nguyên mẫu SN5 đạt được trong đợt thử nghiệm vào tháng 8. SN8 sẽ là một nguyên mẫu hoàn thiện hơn khi độ cao bay lên dự định gấp hơn 100 lần độ cao các nguyên mẫu trước đó đã thử. SpaceX cho biết việc thử nghiệm SN8 sẽ diễn ra sớm nhất khoảng đầu tháng 10 tới.
Minh Anh