Telehealth có áp dụng với Bảo hiểm y tế?
Telehealth là hình thức khám chữa bệnh từ xa, thậm chí can thiệp vào các cuộc mổ. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng với dịch vu khám chữa bệnh từ xa như vậy, có được áp dụng thẻ bảo hiểm y tế hay không?
Trước đó, Công nghệ và Đời sống đã đăng tải bài viết Telehealth - "cánh tay thứ 3" của bác sĩ có trở thành hiện thực?, liên quan đến cách thức chữa bệnh từ xa được ví như “cánh tay thứ 3” của bác sĩ – Telehealth.
Telehealth là sự ra đời của nền tảng công nghệ mới, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu. Mặt khác giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm người bệnh dồn về tuyến trên… giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Mang lại nhiều lợi ích là vậy, thế nhưng vấn đề áp dụng thẻ bảo hiểm vẫn được mọi người quan tâm.
GS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Về pháp lý, Bộ Y tế đã có thông tư số 49/2017/TT-BYT quy định về hoạt động y tế. Tuy nhiên, thông tư này còn rất sơ khởi và chỉ cho 6 nhóm dịch vụ có thể triển khai Telehealth. Như vậy, khi tiến hành thử nghiệm khám chữa bệnh từ xa đối với các dịch vụ chưa có trong thông tư sẽ cần thêm hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc có các quy định mở, giúp các bệnh viên yên tâm thực hiện. “Chế độ chính sách liên quan đến việc khám chữa bệnh từ xa phải được văn bản hóa” - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhận xét.
Đối với cơ chế tài chính vận hành, GS.TS Lê Thanh Hải băn khoăn: Chi phí phát sinh khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ được tính toán thế nào, có được bảo hiểm chi trả?
Hiện tại, Điều 12 của thông tư 49/2017/TT-BYT về Chi phí hoạt động y tế từ xa cũng chỉ nêu: “Chi phí vận hành hệ thống công nghệ thông tin và các chi phí gia tăng để thực hiện hoạt động y tế từ xa được chi trả theo quy định của pháp luật”. Nhưng quy định ra sao thì vẫn chưa có.
Chi phí phát sinh khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ được tính toán thế nào, có được bảo hiểm chi trả?
Bên cạnh đó, với người bệnh, việc thực hiện chi trả cho y tế từ xa với Bảo hiểm y tế (nguồn từ Bảo hiểm Xã hội) sẽ là một nhân tố quan trọng giúp dịch vụ này phổ biến. Thế nhưng, y tế từ xa hiện chưa có trong danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế và bệnh nhân sẽ phải tự chi trả 100% nếu bệnh viện thu.
Hiện tại, dù đã khai trương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng các trường hợp áp dụng y tế từ xa mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân hoặc tuyến dưới, hoàn toàn không thu phí (vì không có cơ chế). Với việc chỉ có thể làm dịch vụ miễn phí, y tế từ xa sẽ khó có thể phát triển.
“Hy vọng, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế sẽ đưa khám chữa bệnh từ xa trở thành hoạt động thường quy và có chi phí. Như thế, các bệnh viện sẽ đầu tư để phát triển hệ thống rất có ý nghĩa này” - GS.TS Lê Thanh Hải chia sẻ.
Về giải pháp công nghệ, Tập đoàn Viettel đã nghiên cứu và chuẩn bị trong vài năm gần đây, để xây dựng được một nền tảng Telehealth phục vụ tốt cho các yêu cầu chuyên môn của bệnh viện. Tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố để đưa Telehealth vào thực tế. Bên cạnh giải pháp công nghệ của Viettel còn cần đến việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị ở các bệnh viện và điều này khi thực hiện trên quy mô lớn sẽ không đơn giản.
Với Telehealth, các bác sĩ chuyên môn giỏi ở Hà Nội có thể hỗ trợ các ca bệnh ở vùng sâu, vùng xa, giúp tăng cường khả năng khám chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, GS.TS Lê Thanh Hải cũng nhận định các bệnh viện tuyến dưới gặp khó khăn về mặt tài chính. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ khám chữa bệnh từ xa tại trung tâm y tế, bệnh viện ở vùng sâu vùng xa, cần có chế độ chính sách tác động để hỗ trợ.
Yếu tố cuối cùng cần tháo gỡ để hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) phát triển đó là thay đổi thói quen của người bệnh. Theo nhiều chuyên gia, đây là bài toán quan trọng và khó khăn nhất. Thói quen của người Việt Nam trong việc khám chữa bệnh vẫn là “chọn mặt gửi vàng”. Do đó, các bệnh viện tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép, trong khi bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thì không có bệnh nhân để điều trị.
Bởi vậy, việc tuyên truyền để người dân hiểu và tin tưởng sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nguồn lực. Thông qua các hoạt động đào tạo từ chuyên gia đầu ngành của trung ương thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, bệnh viện, bác sĩ tại địa phương phải chủ động nâng cao tay nghề, đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng phục vụ. Đó là yếu tố quan trọng để giữ chân người bệnh ở lại tuyến dưới. Làm được điều này, việc khám chữa bệnh từ xa mới có thể phát huy hiệu quả.
Thùy Dung