Telehealth - "cánh tay thứ 3" của bác sĩ có trở thành hiện thực?
Telehealth được ví như "cánh tay thứ 3" của bác sĩ ước mơ sau hàng chục năm của ngành Y đã trở thành hiện thực. Trên thực tế, Telehealth vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng bởi còn nhiều hạn chế.
Hơn một tháng kể từ khai trương Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển tại Bệnh viên Đại học Y Hà Nội, hệ thống này tiếp tục được ra mắt tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Telehealth được ví như "cánh tay thứ 3" của bác sĩ, mặc dù không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế.
Nhờ sự ra đời của nền tảng công nghệ mới, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu. Mặt khác giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm người bệnh dồn về tuyến trên… giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ảnh minh họa.
Tại buổi khai trương, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cùng lúc hội chẩn, tư vấn điều trị cho năm bệnh viện tuyến dưới: Sốp Cộp (Sơn La) - địa phương giáp ranh biên giới với Lào, Sản Nhi Quảng Ninh, Sản Nhi Bắc Ninh, Sản Nhi Hà Nam và Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ).
Với sự tiến bộ của công nghệ, ngay tại buổi hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện can thiệp nong van động mạch phổi bằng bóng qua da bệnh nhi sơ sinh 23 ngày tuổi. Toàn bộ hình ảnh từ cuộc mổ được truyền trực tiếp về đầu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí các bất thường khác. Ca mổ đã diễn ra thành công. Hay bác sĩ ở Hà Nội thăm khám cho một bệnh nhân tại Hà Tĩnh, trở về từ Nhật, nghi ngờ mắc Covid-19.
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết từ thực tế công việc, các bác sĩ đều nhận thấy rằng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Ở những nơi này, việc vận chuyển được bệnh nhân đến tuyến trung ương hết sức khó khăn.
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng trong quá trình di chuyển, thậm chí tử vong trên đường chuyển tuyến. Nắm bắt được tình hình này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai các chuyến công tác đến khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, hạn chế về khoảng cách địa lý khiến bác sĩ không thể đi thường xuyên.
Sự ra đời của Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển - đã giúp các bác sĩ hiện thực hóa những mong muốn của mình: Tư vấn, khám bệnh từ xa (nghe tim phổi, siêu âm, khám lâm sàng), thậm chí can thiệp vào các cuộc mổ. Không những thế, bác sĩ tuyến trung ương có thể hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho nhiều đơn vị trong cùng một thời điểm.
Tại thời điểm này, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ Telehealth. Về điều cơ sở hạ tầng, viễn thông ở Việt Nam được đánh giá là 1 trong những nước tốt nhất Đông Nam Á. Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa, cho phép hoạt động một số dịch vụ Khám chữa bệnh từ xa. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương đã thử nghiệm dịch vụ Telehealth và khẳng định sự hiệu quả.
Telehealth - ước mơ sau hàng chục năm đã trở thành hiện thực.
Trước kia, Bệnh viện Nhi Trung ương từng triển khai hệ thống ban đầu nhưng đường truyền ngày đó quá đắt, không có chi phí để duy trì. “Thời điểm đó, chúng tôi chỉ có tính chất làm chơi. Mỗi lần hội chẩn trực tuyến như thế này thời đó chi phí rất cao. Với hỗ trợ của Viettel, đường truyền, âm thanh, hình ảnh đều tốt lên. Từ tháng 1/2020 đến nay, bệnh viện đã tiến hành hơn 20 cuộc hội chẩn từ xa, khoảng 20 lớp đào tạo”, bác sĩ Lê Thanh Hải cho biết.
Ở Việt Nam, Telehealth đã xuất hiện trên dưới 10 năm, chủ yếu là từ các dự án mua sắm trang thiết bị, phần mềm để xây dựng trung tâm nhưng chưa đủ hành lang pháp lý và cơ chế vận hành các dịch vụ này.
Với thế mạnh có hàng chục bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội hay Bệnh viện Nhi Trung ương kỳ vọng Telehealth sẽ giúp nối dài cánh tay của các bác sĩ tuyến trung ương đến y tế cơ sở. Tuy nhiên, để khám, chữa bệnh từ xa sớm được nhân rộng, rất cần các cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý để hợp pháp hóa cũng như tạo nguồn lực tài chính cho loại hình mới hoạt động hiệu quả.
Telehealth là nền tảng được Viettel nghiên cứu trong 5 năm với sự tham gia của nhiều bên đối tác. Điểm đặc biệt của hệ thống này là mang tính chất tập trung, đóng gói tất cả các giải pháp để tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho công tác khám chữa bệnh từ xa. Theo các chuyên gia trong ngành y tế, phần chuẩn đoán hình ảnh, theo dõi phim CT dựng bằng mô hình 2D, 3D do Viettel làm ra có chất lượng không hề kém cạnh với các ứng dụng của thế giới. Đặc biệt hơn, Viettel đã tính đến phương án hợp tác để sản xuất ra các thiết bị IoT, thiết bị y tế phục vụ thăm khám, đo chỉ số cá nhân tại gia đình với chất liệu, giá thành rẻ tương đương một chiếc smartwatch để hàng triệu người Việt tiếp cận được. |
T.D