Thách thức phát triển nông nghiệp theo hướng 4.0 nhìn từ phía nông dân

12:45, 30/11/2020

Nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng chịu áp lực chuyển đổi số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thực tế, với xuất phát điểm thấp, chủ yếu là kinh tế hộ quy mô nhỏ, nông nghiệp nước ta còn chưa đạt được tiêu chí “3.0”, việc ứng dụng công nghệ số, tạo ra các mô hình sản xuất hiện đại, thông minh còn rất ít. Vì thế, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ còn gặp nhiều thách thức, nhất là từ phía nông dân.

Áp lực phát triển nông nghiệp theo hướng 4.0 ở nước ta

Trong khi chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành trào lưu ở Việt Nam, như một xu thế phát triển tất yếu của thời đại, là cơ hội trải đều cho tất cả, thu hút cuộc chạy đua của các doanh nghiệp, thì dường như nông nghiệp, nông dân vẫn đứng ngoài cuộc. Dẫu vậy, mấy năm gần đây không thể không nói đến phát triển nông nghiệp tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (nông nghiệp 4.0), không thể không nghĩ đến phương thức phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh phải cạnh tranh tài nguyên và nguồn lực một cách công bằng hơn giữa nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Trong quá trình CNH và ĐTH, do năng suất, hiệu quả thấp mà tài nguyên và nguồn lực đã chảy từ nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác, hiện tượng nông dân bỏ đất đang nhức nhối. Không chỉ tỷ lệ của nông nghiệp trong GDP giảm, mà nó dần bị xem nhẹ trong chiến lược phát triển ở nhiều nơi. Mặc dù vai trò trụ đỡ, an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, an toàn sinh thái, an sinh xã hội của nông nghiệp vẫn còn nguyên, nhưng đã đến thời kỳ không thể thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển bền vững nếu nông nghiệp không kịp tham gia chuyển đổi số, hiện đại hóa theo hướng 4.0.

CĐS trong nông nghiệp chắc chắn là quá trình chậm chạp hơn nhiều so với các khu vực kinh tế khác, không thể nóng vội, nhưng không thể không bắt đầu ngay bây giờ với những bước đi số hóa, ứng dụng số hóa, CĐS từng bước theo từng chuỗi cung ứng… CĐS cũng chính là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng 4.0. Bởi lẽ, nông nghiệp 4.0 là nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ số (CNS), kết nối rộng.

Xét ở nền tảng an toàn và bền vững, nông nghiệp 4.0 trước hết đòi hỏi các lĩnh vực và công đoạn sản xuất phải ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến, tuần hoàn, thuận thiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, vật tư đầu vào, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc hóa học, giảm phát thải CO2, cho năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường và con người. Xét ở khía cạnh thông minh, nông nghiệp 4.0 đòi hỏi các hoạt động sản xuất phải được kết nối mạng, dựa vào hệ thống thiết bị hiện đại có thể đưa ra những quyết định một cách thông minh và tự động, không cần sự có mặt trực tiếp của con người. Xét ở khía cạnh hiện đại, nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải ứng dụng những thiết bị thông minh, đủ khả năng giám sát các điều kiện sản xuất, cảnh báo, ra quyết định điều hành, thực hiện cơ giới hóa các công đoạn sản xuất, đánh giá kết quả… Các yêu cầu ở các góc độ nói trên chỉ có thể đáp ứng nếu tiến hành ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp.

Nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức, tư duy, phạm vi, quy mô, bản chất của quản lý, điều hành sản xuất và liên kết chuỗi. Trong đó, cần có sự lưu trữ và chia sẻ tài nguyên dữ liệu cho chuỗi, cần công khai, minh bạch quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng... Điều đó rất cần CĐS ở các cấp độ khác nhau cho các lĩnh vực ngành hàng khác nhau.

Các thách thức và hướng giải quyết

Bản thân nội hàm phát triển nông nghiệp theo hướng 4.0 nói trên so với thực trạng nông nghiệp nước ta hiện nay đã tiết lộ các thách thức rất lớn. Nếu các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực kinh tế có nhiều lợi thế hiện đại hóa (như công nghiệp, dịch vụ…) còn đang loay hoay với CĐS để tránh tụt hậu, tìm cách chạy đua tới tương lai, thì chủ thể nông nghiệp nước ta là ai, có lợi thế gì?

Hiện nay, chủ thể chính của nông nghiệp vẫn là kinh tế hộ quy mô nhỏ, chiếm 99,89% số đơn vị SXKD của ngành, trong đó 36% số hộ có diện tích sản xuất dưới 0,2 ha. Số gia trại, trang trại còn hạn chế, chỉ chiếm gần 0,4% số hộ nông nghiệp, có quy mô nhỏ, diện tích đất bình quân một trang trại là 4,4 ha, trong đó, riêng đất nông nghiệp chỉ là 1,4 ha. Doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 0,04% tổng số chủ thể sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ với 50% doanh nghiệp có dưới 10 lao động) và 1,2% tổng số doanh nghiệp cả nước. Hợp tác xã tuy có số lượng đang tăng, đang chuyển đổi theo Luật HTX 2012, nhưng chỉ chiếm 0,07% tổng số các chủ thể.

Rõ ràng, phát triển nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam không chỉ trông chờ ở các doanh nghiệp. Cuộc chơi CĐS buộc các nông hộ phải vào cuộc. Nông nghiệp CNC không chỉ được tiến hành trong không gian khép kín của nhà kính, mà cần mở rộng trên các cánh đồng CNC liên kết các nông hộ. Chính các cánh đồng này mới tạo nên nông nghiệp kết nối rộng, tạo nên các chuỗi cung ứng. Nông nghiệp thông minh không chỉ cần “doanh nghiệp thông minh”, mà rất cần “nông dân thông minh”. Trong khi đó, các nông hộ không còn là nguồn động lực phát triển như 20 năm đầu đổi mới (nhờ giải phóng kinh tế hộ. Kỳ tích người làm vườn cần cù, tận dụng tối đa sức lao động giá rẻ để tăng sản lượng, giá trị sản xuất trên những diện tích nhỏ đã không còn làm nên thành công vang dội trong 10 năm qua, bắt đầu kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp năng suất cao.

Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu

Thách thức của CĐS, phát triển nông nghiệp theo hướng 4.0 nhìn từ phía nông dân được giải thích bằng xuất phát điểm thấp, năng lực hạn chế của kinh tế hộ, như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ và trình độ sản xuất thấp, vốn đầu tư ít, khả năng kết nối yếu, liên kết chuỗi lỏng lẻo, thiếu công bằng thương mại, trình độ nhân lực thấp…

Vì vậy, CĐS và phát triển nông nghiệp 4.0 ở nước ta cần có lộ trình và chính sách thích hợp. Trong hệ thống đó, vừa thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia, khuyến khích được họ đi tắt, đi nhanh làm đầu tàu, vừa hỗ trợ kinh tế hộ áp dụng từng bước có hiệu quả, kết hợp với học hỏi công nghệ số, mở rộng dần quy mô. Bước đầu nên thực hiện tại những địa bàn thuận lợi, dễ trước khó sau (như khu vực ven đô, các vùng sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị cao); tập trung cho các loại nông sản thực phẩm (có lợi thế giá trị cao và ứng dụng công nghệ cao).

Để rút ngắn lộ trình nêu trên, tạo điều kiện lan tỏa các mô hình nông nghiệp hiện đại của doanh nghiệp sang kinh tế hộ cần tập trung tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn của kinh tế hộ hiện nay. Nhìn từ phía nông dân thì thấy những vấn đề sau cần được hoạch định, tập trung giải quyết.

Nông dân Việt thiếu kiến thức làm nông nghiệp sạch - Phoenix Việt Nam

Trước hết, cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp 4.0 của cả nước và từng địa phương, chọn những khu vực sản xuất, loại nông sản được ưu tiên và có chính sách hỗ trợ trọng điểm.

Hai là, cần thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất trên diện rộng, làm nền tảng cho ứng dụng CNC, công nghệ thông minh, cơ giới hóa đồng bộ. Phát triển gia trại, trang trại là hướng đi cần khuyến khích của kinh tế hộ. Mở rộng quy mô sản xuất cần theo cả hai hướng: tích tụ ruộng đất (mở rộng quy mô sản xuất của các chủ thể); và tập trung sản xuất (hợp tác, liên kết nhiều chủ thể). Về cơ bản, cần giải quyết căn cơ vấn đề tích tụ ruộng đất và sở hữu ruộng đất, sửa đổi Luật Đất đai, tạo động lực “Khoán 10” mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại.

Ba là, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi thông minh, nông nghiệp kết nối rộng. Để khắc phục những hạn chế hiện nay trong liên kết chuỗi, một mặt cần nâng cao nội lực, năng lực, trình độ, vị thế của kinh tế hộ; mặt khác cần đổi mới, nâng cấp các tổ chức của nông dân (như HTX). Đồng thời, cần đổi mới, nâng cao chất lượng các tổ chức của nông dân, tích hợp các giải pháp tương tác giữa thể chế chính thức và phi chính thức, nâng cao vai trò chủ thể, năng lực tự quản của nông dân.

Bốn là, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ giữ vai trò then chốt trong liên kết chuỗi giá trị, mà còn đi trước trong phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, làm đầu tàu cho nông nghiệp 4.0. Chính sách cần được đổi mới khôn khéo, một mặt thu hút được doanh nghiệp đầu tư bởi lợi ích kinh tế, dùng lợi ích kinh tế để điều khiển doanh nghiệp, chứ không kêu gọi, chạy theo họ; mặt khác ngăn chặn được đầu tư tạm thời, trá hình để chiếm dụng tài nguyên nông nghiệp, tạo được sức ép sản xuất để xuất khẩu (kiểu “kỷ luật xuất khẩu” của Hàn Quốc), để buộc họ phải học hỏi công nghệ, cạnh tranh với thế giới; ràng buộc doanh nghiệp phải đầu tư, chia sẻ lợi ích với nông dân, khắc phục tình trạng mua đứt bán đoạn, chia cắt sản xuất với thị trường.

Năm là, thúc đẩy nghiên cứu đi trước một bước và chuyển giao công nghệ theo chuỗi, có hiệu quả, giúp đẩy nhanh ứng dụng CNC, thông minh, công nghệ tích hợp phù hợp với điều kiện thực tế, khắc phục sự chậm trễ, tụt hậu, thiếu hiệu quả hiệu nay. Cần tăng đầu tư và đầu tư đi trước cho KH&CN nông nghiệp, để phát triển nông nghiệp 4.0 cần theo cả hai hướng: hỗ trợ nghiên cứu và hỗ trợ ứng dụng các mô hình. Cần sớm hình thành các mô hình nông nghiệp tích hợp CNC hiệu quả trong điều kiện Việt Nam để học hỏi, thay cho rập khuôn các mô hình nước ngoài không hiệu quả trên diện rộng.

Sáu là, tạo lập các nền tảng cho CĐS, từng bước ứng dụng CNS trong nông nghiệp. Hiện nay mức độ trang bị tin học trong nông nghiệp, nông thôn còn rất sơ khai; phương tiện đầu cuối tích hợp với các phần mềm dùng riêng cho nông nghiệp còn rất thiếu và đắt đỏ. Cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển phần cứng và mềm, các thiết bị đầu cuối cho nông dân, HTX.

Bảy là, tăng cường hỗ trợ đào tạo “nông dân thông minh”. Hiện nay chất lượng lao động nông thôn còn thấp, chỉ có 14,3% qua đào tạo (so với 38,0% tại đô thị); năng lực, trình độ của các chủ thể còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, thiếu năng lực tiếp cận thị trường, chưa tới tầm sản xuất hàng hóa lớn. Chính sách hỗ trợ, tạo sức ép và phương thức đào tạo nông dân phải khác trước, phải có tính thiết thực và lâu dài. Học tập công nghệ phải là bắt buộc và thể chế hóa sự bắt buộc đó trong các quy định của Nhà nước.

Tám là, tăng cường đầu tư cho phát triển nông nghiệp hiện đại tương xứng với vai trò, đóng góp của nó. Hiện nay, tổng đầu tư xã hội cho nông nghiệp còn rất thấp, mới đạt khoảng 3 tỷ USD/năm, trong đó 50% là ngân sách nhà nước; 16,7% là của doanh nghiệp. Tăng đầu tư cho nông nghiệp, tạo điều kiện kết nối nông thôn - đô thị là xu thế tất yếu đang diễn ra trên thế giới.

Thay lời kết

Nông nghiệp bền vững, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp hiện đại CĐS là hướng đi tất yếu của nông nghiệp nước ta cho dù xuất phát điểm hiện nay còn thấp. Đó là quá trình buộc lực lượng nông dân đông đảo phải chuyển đổi theo sự dẫn dắt của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp nông nghiệp cũng phải trầy trật để chuyển đổi, bám sát cuộc đua với các khu vực kinh tế khác. Nhanh hay chậm, bền vững hay lệch hướng của phát triển nông nghiệp trước hết phụ thuộc vào chính sách của nhà nước. Chính sách đó cần khôn khéo, tránh phải trả giá cho sự lãng phí, thất thoát tài nguyên và nguồn lực.

TSKH. Bạch Quốc Khang

(Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới)