Thái Nguyên: Hiệu quả thiết thực từ việc triển khai chương trình Chuyển đổi số

05:06, 09/02/2022

Sau một thời gian ngắn Thái Nguyên triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số đã cho thấy hiệu quả thiết thực, rõ nét trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và tỉnh Thái Nguyên cũng trở thành điểm sáng của quốc gia trong việc thực hiện Chuyển đổi số trong năm 2021.

thai nguyen hieu qua thiet thuc tu viec trien khai chuong trinh chuyen doi so

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và đánh giá hiệu quả cao Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2021, xếp hạng về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố: Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chỉ số Chính quyền số xếp thứ 03 toàn quốc. Điểm nhấn nổi bật trong xây dựng Chính quyền số là Thái Nguyên đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số, triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trực tuyến qua ứng dụng C-ThaiNguyen, đến nay đã có hơn 200.000 tài khoản cài đặt và sử dụng.

Thái Nguyên nằm trong số ít địa phương cung cấp 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Đặc biệt, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã gửi, nhận trên 2,3 triệu văn bản xử lý bằng giao thức điện tử đã giúp tiết kiệm được khoảng 8 tỷ đồng so với gửi, nhận qua bưu điện. Nhiều ứng dụng công nghệ, nền tảng số dùng chung, như: Sổ tay đảng viên điện tử; Phòng họp không giấy tờ eCabinet; hội nghị trực tuyến được triển khai thực hiện hiệu quả đã đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đều được thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Điểm nổi bật ở Thái Nguyên là đã thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Viettel; VNPT; AIC, liên minh SaigonTel-NGS… Tất cả đều thể hiện tinh thần chung tay tạo sự phát triển mới.

Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thống kê trong năm vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo, tập huấn cho 1.354 hộ sản xuất, kinh doanh; tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ và đưa 1.029 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

thai nguyen hieu qua thiet thuc tu viec trien khai chuong trinh chuyen doi so

Các đại biểu bấm nút khai trương nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID.

Ở lĩnh vực xã hội số, các nền tảng công dân số như C-Thái Nguyên, Thái Nguyên ID lần lượt được đưa vào vận hành hiệu quả. Trong đó, Thái Nguyên ID giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số, kết nối người dân với các dịch vụ, ứng dụng số trong giải quyết thủ tục hành chính, tìm kiếm cơ hội việc làm và các dịch vụ tiện ích; trở thành “cánh tay nối dài” giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân.

Khi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 xuất hiện với diễn biến phức tạp, chuyển đổi số ngay lập tức được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh áp dụng trong công tác phòng, chống dịch. Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh Thái Nguyên đặt tại trụ sở UBND tỉnh được coi như “bộ não” 4.0, với nền tảng quản lý camera tập trung, tích hợp dữ liệu, đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid -19 tại địa phương. Cùng với đó, các nền tảng, giải pháp công nghệ như: Ứng dụng PC-Covid, Bản đồ dịch tễ Covid-19 cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh - tế xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, thông qua ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen, gần 11.700 lao động là người Thái Nguyên đang gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ từ quê hương, đảm bảo công khai, minh bạch, với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng. Đây là minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số, đồng thời góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách và tương thân, tương ái trong khó khăn của dịch bệnh.

Nhờ chuyển đổi số, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá cũng đã từng bước thích ứng linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân và xu thế phát triển chung. Đáng chú ý, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động với phương châm “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong học tập”, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 4.300 thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh, góp phần để hành trình theo đuổi ước mơ tri thức của các em không bị gián đoạn bởi đại dịch.

Bộ mặt đô thị thông minh dần được hiện hữu và hình thành tại thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số tại những nơi khó khăn nhất, vùng được đánh giá là vùng lõm thông tin của tỉnh cũng được quan tâm. Cũng trong năm 2021, Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế số của Thái Nguyên. Từ mảnh đất này, những sản phẩm công nghệ số sẽ được ra đời, kỳ vọng sẽ tạo nên “thung lũng silicon” tại Việt Nam.

thai nguyen hieu qua thiet thuc tu viec trien khai chuong trinh chuyen doi so

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên bấm nút khai trương mạng 5G.

Mới đây, Thái Nguyên tiếp tục khai trương mạng di động 5G - như một lời cam kết của tỉnh Thái Nguyên về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới đến với Thái Nguyên.

Với những kết quả thực hiện Chương trình Chuyển đổi số của Thái Nguyên trong năm 2021 sẽ là nền tảng, động lực quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đây đang là xu thế cũng như con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để Thái Nguyên tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Việc thực hiện có hiệu quả kết hợp với đi trước đón đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số còn giúp Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển, sớm biến ước mơ của mình trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Theo baoxaydung.vn