Tín hiệu vui từ chuyển đổi số trong nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc
Chuyển đổi số là xu thế, đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá quan trọng, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và mở rộng thị trường đầu ra toàn cầu cho sản phẩm nông nghiệp.
- Bức tranh lớn đằng sau các công ty công nghệ Trung Quốc
- 241 sự cố tấn công mạng được ngăn chặn trong dịp Tết
- Mỹ: Có trong tay loại vaccine tốt nhất thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 lại cao
- ACEN chi 165 triệu USD để sở hữu 9 nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam
- Bùng nổ tội phạm công nghệ trong đại dịch Covid-19
Chuyển đổi số trong canh tác
Trong năm 2021 tỉnh Yên Bái từng bước triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp về các lĩnh vực đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phục vụ cho việc chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.
Tre măng Bát độ là một trong những nông sản đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong bản đồ nông nghiệp của tỉnh Yên Bái với hơn 6.600 ha. Đây là nông sản có thị trường xuất khẩu ổn định qua nhiều năm. Nông sản này được trồng theo quy mô lớn tại các huyện: Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên. Với hai sản phẩm chính mà măng làm thực phẩm và tận thu cây già làm nguyên liệu sản xuất giấy, mỗi năm cây tre măng Bát độ đem lại thu nhập vài trăm tỷ đồng cho người dân. Đây cũng là loại cây trồng được doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bái) cho biết: là đơn vị chế biến các sản phẩm từ măng tre Bát độ xuất khẩu vào thị trường có tiêu chuẩn khắt khe là Nhật Bản, Đài Loan nên đối tác đòi hỏi kiểm soát tất cả các khâu. Từ trồng trọt, chăm bón của người nông dân đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến đều có nhật ký và truy xuất được nguồn gốc. Trước đây chúng tôi ghi chép nhật ký truy xuất thủ công rất vất vả. Từ khi chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số vào sản xuất nên các lô măng từ khi canh tác, dời vườn đến khi chế biến và đóng gói xuất khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng đều trên máy tính.
Công nhân làm việc tại Công ty măng Yên Thành.
Bên cạnh đó để quản lý được vùng nguyên liệu rộng lớn, công ty sử dụng hệ thống quản lý rừng từ vệ tinh. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã cập nhật đến từng hộ trồng măng trên bản đồ số hóa về diện tích trồng, cập nhật khi vào vụ ứng bao nhiêu phân bón, bán được bao nhiêu sản phẩm, giá mua bán sản phẩm… bảo đảm khách quan, minh bạch, người dân tự kiểm tra. Nhờ áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất Công ty giữ vững được uy tín với đối tác. Từ đó duy trì ổn định thị trường xuất khẩu đạt trên 2.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu hơn 70 tỷ đồng.
HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn, tại tổ 4 thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là mô hình khởi nghiệp của thanh niên Phạm Văn Chiến làm chủ. Khai thác thế mạnh dược liệu tại địa phương, HTX trồng dược liệu, chiết xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng gồm: bột cà gai leo, cao cà gai leo, lá và rễ cà gai leo. Để quản lý kinh doanh hiệu quả, Phạm Văn Chiến đầu tư mua phần mềm bản quyền Quản lý bán hàng Sapo. Anh Chiến chia sẻ: phần mềm quản lý bán hàng đã giúp tôi dễ dàng quản lý kinh doanh từ thông tin khách hàng, đơn hàng, số lượng đơn bán đi, hàng tồn kho, kiểm soát công nợ, báo cáo tổng hợp tài chính luôn truy xuất được ngay từng ngày. Đồng thời, giúp tôi tiết kiệm thời gian, nhân công. Bên cạnh đó tôi còn khai thác các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, bán hàng rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân không còn cảnh "trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất truyền thống như trước mà chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó giảm nhân công, giảm lao động cơ bắp. Yên Bái hiện có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hơn 220.000 ha, vùng quế trên 78.000 ha, vùng sơn tra gần 10.000 ha, vùng tre măng Bát độ hơn 6.600 ha, chè gần 8.000 ha, dâu tằm gần 1.000 ha… Nếu làm tốt việc chuyển đổi số trong sản xuất thì hiệu quả và giá trị hàng hóa nông lâm sản của người nông dân sẽ được nâng cao đáng kể.
Gần 3 năm nay, Anh Nông Văn Lực, Tổ trưởng Tổ quế hữu cơ tại thôn Giằng, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã thuần thục với việc quản lý vùng quế bằng công nghệ số. Tất cả việc cập nhật thông tin liên quan đến sản xuất của từng hộ thành viên từ trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, đến thu hoạch đều số hóa thông qua điện thoại thông minh. Phần mềm “QGS - nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp” được cài đặt trên điện thoại thông minh là công cụ giúp anh Lực hoàn thành tốt công việc của mình khá nhàn hạ. Chỉ cần những thao tác vuốt gạt để chọn, sau đó nhập số liệu trong vài phút anh Lực đã cập nhật được những thông tin biến đổi của một hộ thành viên theo yêu cầu của doanh nghiệp liên kết sản xuất.
Các hộ dân ghi nhật ký canh tác quế bằng phần mềm thông minh.
Trên phần mềm QGS - nhật ký điện tử có từng mục nội dung được bố trí giao diện dễ dàng sử dụng gồm: Kế hoạch canh tác hằng năm (diện tích, số cây, tình trạng hữu cơ, sản lượng/năm); theo dõi trồng và chăm sóc (thời gian, công việc thực hiện); mua và tiếp nhận vật tư đầu vào (ngày mua, loại vật tư, sản lượng, ngày hết hạn sử dụng, địa chỉ cung cấp); thu hoạch và bán quế tươi của hơn 40 thành viên. Anh Nông Văn Lực cho biết: Sử dụng phần mềm này rất tiện lợi. Chỉ cần hộ trồng quế cung cấp thông tin là tổ trưởng cập nhật các dữ liệu được ngay vào kho giữ liệu mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối mạng internet. Sau khi nhập xong, công ty liên kết Vinasamex ở tận Hà Nội xem được ngay. Việc ghi chép nhật ký điện tử nhanh và hiệu quả hơn so với ghi chép bằng tay. Phần mềm có tính năng nhắc việc giúp nông dân không quên, đặc biệt không bị thất lạc dữ liệu như cách ghi chép sổ sách trước đây.
Chuyển đổi số kết nối cung cầu nông sản
Tỉnh Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như: Cam Sành, chè Shan tuyết, thịt bò vàng vùng cao, mật ong Bạc Hà, gạo Già dui Xín Mần, Hồng không hạt Quản Bạ. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận đạt sao OCOP. Cụ thể có 38 sản phẩm đạt 4 sao, 153 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Tất cả các sản phẩm OCOP được cấp mã QR code, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, cho phép người dùng quét mã bằng điện thoại thông minh hoặc nhập mã tra cứu trên phần mềm để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, Hà Giang đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX và người dân giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Sendo, Postmart, Lazada và các wedsize, mạng xã hội để tiêu thụ nông sản.
Hiện nay nhiều nông sản đặc sản của Yên Bái như: lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, miến đao Giới Phiên, nước rửa chén Trà thảo mộc Quế Phát, cá mương sấy ướp riềng hồ Thác Bà, cao cà gai leo Viễn Sơn và nhiều sản phẩm OCOP đặc hữu của tỉnh đã lên sàn thương mại điện tử Voso.
Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: những năm gần đây thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động XTTM trên môi trường trực tuyến. Sở Công thương Yên Bái đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Yên Bái, Viettel Yên Bái tổ chức ký kết về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Yên Bái tham gia thành viên và quản trị gian hàng trực tuyến trên sàn http://postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn http://voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Hiện nay đã hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh đăng tải các sản phẩm đặc sản thế mạnh, các sản phẩm OCOP và hỗ trợ, hướng dẫn quản trị gian hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó Sở Công Thương đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ trên 500 doanh nghiệp tham gia thành viên trên sàn TMĐT, hỗ trợ mở tài khoản gian hàng và tạo website thành viên trên sàn TMĐT tỉnh Yên Bái (tại địa chỉ: http://www.sctyenbai.com) và các sàn TMĐT khác. Hỗ trợ cập nhật, đăng tải trên 600 lượt sản phẩm nông sản lên Sàn TMĐT.
Thông qua việc triển khai chuyển đổi số một số doanh nghiệp đã kết nối với khách hàng và bán được sản phẩm như chè, quế, măng, đũa gỗ, bột đá, tinh bột sắn ở các nước: Belarus, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đối với thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp Yên Bái đưa được 17 sản phẩm vào tiêu thụ tại Big C, Vinmart, Hapro khu vực phía Bắc.
Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp những năm gần đây ngày càng phát triển mạnh mẽ. Qua đó giúp doanh nghiệp, HTX, người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông hàng hóa nông sản. Đồng thời chuyển đổi số cũng tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường khách hàng tiềm năng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị của các mặt hàng nông sản.
Lương Dũng