Thần hộ mệnh mới cho Camera SmartPhone

10:17, 24/07/2012

Tại sao các hãng sản xuất điện thoại lại tập trung cho camera trên smartphone và đầu tư quảng cáo về chúng rất mạnh mẽ. Tại sao các bức hình được đánh giá thua xa ảnh chụp từ máy ảnh kỹ thuật số nhưng lại được đón nhận một cách hào hứng ở người dùng. Tại Việt Nam, giới trẻ ngày càng ưa chuộng các smartphone có camera chụp ảnh tốt. Nguyên nhân vì đâu lại có hiện tượng này?

 




Đi tiên phong

 

Vài năm trước, Samsung gây nhạc nhiên cho người sử dụng bằng việc cung cấp chiếc smartphone với khả năng chụp ảnh 12 Mpx. Đây là một bước đột phá mặc dù camera trên điện thoại đã được HTC, Motorola, BlackBerry… đầu tư với các hệ thống mạnh 8 Mpx. Nhiều hãng Nokia, SonyEricsson… thậm chí còn trang bị cho camera điện thoại của mình các bộ ống kính Carl Zensis và đèn Flash Xenon, đèn Flash kép… “So với chiếc điện thoại với camera 41 Mpx của Nokia hiện nay thì camera của điện thoại hồi xưa xứng đáng gọi là đồ tiền sử.






Trước kia, để có thể chụp ảnh, cách duy nhất mọi người sử dụng đó là dùng đến các dòng máy ảnh cơ hoặc sau đó là máy ảnh số”, Lê Duy - nhà báo CNTT & TT nhận định. “Với khả năng cho ra các bức ảnh sắc nét, chất lượng cao và dễ sử dụng, các máy ảnh KTS đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới và đẩy máy ảnh cơ vào trong bảo tàng chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy thế, sự việc nay đã khác”.

 

Khi trào lưu smartphone xuất hiện, với yêu cầu của giới sử dụng, các nhà sản xuất đã mày mò áp dụng tính năng vào trong điện thoại. Mặc dù không thành công, ít nhiều nó đã tạo động lực cho một sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

 

 

Quá khứ và hiện tại

 




Lý giải cho sự thất bại của camera trong điện thoại thời kỳ đầu, bình luận viên công nghệ trên diễn đàn diendandientu cho rằng, nguyên nhân đến từ việc nó chưa có nền tảng hỗ trợ. “Trước đây, khi điện thoại còn nghèo nàn về kiểu dáng và tính năng, điện thoại được tích hợp máy ảnh có độ phân giải 3.2 Mpx và có Flash được coi là đã thuộc dòng cao cấp. Tuy thế, chất lượng ảnh chụp rất tệ và không thể sử dụng để làm được việc gì khác ngoài việc ngắm chơi cho biết. Mặc dù trong những năm gần đây, khi smartphone nở rộ, máy ảnh trên điện thoại đã có những bước tiến lớn và thậm chí chất lượng những bức ảnh được chụp từ chúng có thể sánh ngang được với dòng máy ảnh kỹ thuật số compact nhưng chất lượng ảnh vẫn chưa làm hài lòng người dùng, bởi các so sánh chi tiết cho thấy ảnh chụp từ các thiết bị di động vẫn không thật sự sắc nét như ảnh chụp từ các máy ảnh KTS chuyên nghiệp”.


 




Khi mới tung iPhone, iPad, iPod, Apple chưa bao giờ coi tính năng chụp ảnh là một ưu tiên trong các sản phẩm công nghệ của mình. Ngược lại, mặc dù nỗ lực tung ra các smartphone, tablet dùng camera siêu khủng nhưng các sản phẩm của Nokia, HTC, Samsung, Motorola, LG… cùng thời với iPhone, iPod, iPad cũng không thực sự được chú ý vì những tính năng này. “Các tính năng chụp ảnh trên di động đã bị thờ ơ một cách tàn nhẫn vì người sử dụng chưa biết cách dùng các tấm ảnh kém chất lượng này vào việc gì. Đem in thì không xem được trong khi dùng trong máy ảnh thì quá bé, dùng trong điện thoại thì chỉ để xem cho biết”, Lifehacker so sánh hóm hỉnh.

 

Cứu tinh mạng xã hội

 





“Mọi thứ đã thay đổi khi mạng xã hội lên ngôi”, một chuyên gia cho biết. “Mạng xã hội là nơi người ta chia sẻ mọi thứ liên quan đến bản thân để mọi người dùng biết và bình luận, vì thế, vai trò của các tấm ảnh ngày càng quan trọng. Với sự hạn chế về dung lượng, đường truyền, máy chủ… các mạng xã hội không thể để người dùng lập những album với các  bức ảnh siêu nét, bởi thế, giải pháp của họ là những tấm ảnh chất lượng thấp, vừa đủ để nhìn ngắm, để chia sẻ trực tuyến. Lúc ấy, ảnh chụp từ các máy ảnh KTS nhanh chóng bị loại trừ trong khi ảnh chụp từ các thiết bị di động như smartphone, tablet lại lên ngôi. Hãy nhìn lên Facebook, tỷ lệ các tấm hình tải lên từ di động rất cao trong khi nếu “lỡ” bạn upload một bức ảnh chụp bằng máy KTS với chất lượng siêu nét lên mạng xã hội này thì nó cũng tự động nén ảnh lại xuống một mức giá trị thấp hơn”.

 

Đó không chỉ là một trường hợp duy nhất xảy đến với Facebook mà gần như mọi mạng xã hội và mọi trang web chia sẻ ảnh trên thế giới đều có cách thức làm việc tương tự. “Thời đại ngày nay người ta cần click và xem được ngay. Nếu các tấm ảnh quá nặng, tốn thời gian để load thì sẽ khiến người sử dụng ngần ngại để dùng tiếp”, SlashGear lý giải, “Và đó là cách để công nghệ camera trên điện thoại có được sự phổ biến rộng rãi hơn. Tuy vậy, tôi nghĩ điểm mạnh này cũng chính là điểm yếu của tính năng trên bởi dù cảm biến ảnh có sắc nét hơn thì mọi tấm hình chuyển lên mạng xã hội cũng đều sẽ bị thu nhỏ lại. Hơn nữa, việc chụp các tấm hình sắc nét sẽ tạo ra file ảnh dung lượng cao, việc upload lên mạng xã lâu hơn và tốn tiền hơn. Và đó là lý do khiến cho camera chụp ảnh trên 8 Mpx trên điện thoại nếu được tạo ra cũng không thể có các ứng dụng rộng rãi”.

 

Hải Quyên

TIN LIÊN QUAN