Thành ủy Hà Nội: Tăng cường Công tác Cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
Sáng ngày 01/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, chủ trì Hội nghị; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ dự và quán triệt Nghị quyết 56-NQ/TW. Tham dự Hội nghị còn có đại diện một số cơ quan của Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Hiện nay, tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp. Các thách thức về chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt, đe dọa an ninh toàn cầu. Trong nước, cùng sự phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, bên cạnh những mặt tích cực, việc lộ lọt thông tin bí mật nhà nước tại một số cơ quan trọng yếu có chiều hướng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động, cài cắm, móc nối, mua chuộc với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng, là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”. Hà Nội cũng là thành phố đông dân với trên 8,3 triệu người, chiếm 8,5% dân số của cả nước; có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn; nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Đảng bộ Thủ đô cũng là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, hơn 47 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% tổng số đảng viên của cả nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới là: Phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Ngày 30/12/2022, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trên, thành phố xác định, trong giai đoạn phát triển Thủ đô hiện nay, công tác bảo đảm, bảo mật, an toàn thông tin ngày càng có vai trò quan trọng và then chốt. Nếu không có bảo mật, an toàn thông tin, sẽ không thể xây dựng chính quyền điện tử, không thể chuyển đổi số và triển khai chính quyền thông minh, đô thị thông minh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng khẳng định, thời gian qua, công tác cơ yếu luôn được Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bảo đảm theo quy định.
Ngay sau khi Nghị quyết số 56-NQ/TW ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng Thành ủy ban hành hướng dẫn để tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng các nội dung được học tập, quán triệt, đặc biệt là những chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị; việc thực hiện pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực cơ yếu, an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin để có những giải pháp phù hợp triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương, đơn vị trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nội dung theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy; thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo mật, an toàn thông tin nhất là giảm thiểu nguy cơ về tình hình lộ lọt thông tin bí mật nhà nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quán triệt Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đồng chí nhấn mạnh, Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính trị là Nghị quyết rất quan trọng, định hướng những vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
Kế thừa, phát triển các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác Cơ yếu trong suốt 77 năm qua, Nghị quyết số 56-NQ/TW được ban hành trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, đặc biệt là những thách thức, nguy cơ về đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chỉ huy của lực lượng vũ trang.
Nghị quyết xác định mục tiêu chung là xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạnh, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại; lực lượng cơ yếu tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền khoa học - công nghệ mật mã tiên tiến, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quán triệt Nghị quyết 56-NQ/TW tại Hội nghị
Khẳng định việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 56-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng, phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đồng chí Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đề xuất một số nội dung đối với Thành ủy Hà Nội, như: Tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các cấp, các ngành của Thủ đô Hà Nội về Nghị quyết 56-NQ/TW, Luật Cơ yếu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo mật, am toàn thông tin; nghiên cứu triển khai mạng liên lạc cơ yếu từ Thành ủy đến các quận, huyện ủy bảo đảm đồng bộ, thống nhất; quan tâm rà soát, củng cố lực lượng cơ yếu (về tổ chức và người làm công tác cơ yếu) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xác định cụ thể nhu cầu sản phẩm mật mã và các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin để Ban Cơ yếu Chính phủ có kế hoạch cung cấp, triển khai trong thời gian tới; chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tiến hành sơ kết Thỏa thuận phối hợp số 01/BCYCP-UBND ngày 13/4/2016 và tiến hành ký kết Quy chế phối hợp mới.
Đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng cũng mong muốn trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Thành ủy Hà Nội trong việc triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết số 56 của Bộ Chính trị cũng như các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.
Theo Tạp chí An toàn thông tin