Thêm một bộ kit xét nghiệm Sars-CoV-2 đang xin cấp phép của Bộ Y tế
Hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của Sars-CoV-2 của Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện tất cả các quy trình sản xuất và kiểm định theo tiêu chuẩn được đặt ra và đã chuyển hồ sơ về Bộ Y tế để cấp phép sử dụng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diển ra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, ba nhiệm vụ quốc gia đột xuất, cũng là ba nghiên cứu đầu tiên về Sars-CoV-2 để giúp Việt Nam ứng phó nhanh với đại dịch mà Bộ đặt hàng cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đều đã thành công, đặc biệt là bộ kit xét nghiệm Covid-19 đầu tiên của Việt Nam.
Trước đó, vào đầu tháng 2/2020, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt danh mục ba nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Sars-CoV-2), giao trực tiếp cho ba tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện.
Cụ thể, ba đề tài nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus corona 2019 giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện; Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus corona 2019 giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Cần Thơ thực hiện; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona 2019 tại Việt Nam giao cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN).
Ngày 5/3, sau chưa đầy một tháng, Việt Nam đã công bố nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 đầu tiên của mình. Đó chính là bộ kit xét nghiệm do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện.
Theo ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, ngay sau khi có quyết định công nhận của Bộ Y tế, bộ kit này đã được cung cấp cho hầu hết các cơ sở xét nghiệm Sars-CoV-2 trong cả nước, với khoảng 70 cơ sở, từ các trung tâm kiểm soát dịch bệnh đến các bệnh viện tỉnh, thành phố. Chủ yếu trong giai đoạn đầu bộ kit được sử dụng trong ngành y tế. Sau đó, bộ kit đã được WHO chấp thuận và đã được dán nhãn CE (tiêu chuẩn châu Âu).
Tuy nhiên, bộ kit đã xuất khẩu ra thế giới nhưng chưa được nhiều. Các nước cũng đang trong quá trình đấu thầu và thương thảo để thúc đẩy ký hợp đồng mua bộ kit của Việt Nam. Qua trao đổi, đơn vị sản xuất bộ kit cho biết đứng về mặt tiêu chuẩn đã được cấp chứng chỉ trong nước nhưng ở châu Âu, bộ kit của Việt Nam mới chỉ tạm thời cấp chứng chỉ trong vòng sáu tháng và phải hoàn thiện để được cấp chính thức.
Về nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của Sars-CoV-2 của Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ông Hùng cho biết sản phẩm hoàn thiện tất cả các quy trình sản xuất và kiểm định theo tiêu chuẩn được đặt ra và đã chuyển hồ sơ về Bộ Y tế để cấp phép sử dụng.
Ông Hùng giải thích việc chậm so với yêu cầu ban đầu là do ngoài sản xuất bộ sinh phẩm, Công ty Phù Sa còn sản xuất thêm bộ thiết bị để đọc kết quả nên thời gian nên có độ trễ. Về đề tài thứ ba liên quan đến dịch tễ học và virus học, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phải nghiên cứu thời gian dài, vừa nghiên cứu vừa tìm ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân và hiện đang trong quá trình nghiệm thu.
Thiên Thanh (T/h)