Thị trường pin sạc dự phòng “vào mùa”

04:00, 24/02/2013

Đang mùa du xuân, nhiều người có nhu cầu mua các loại pin sạc dự phòng cho những chuyến đi xa khiến thị trường này sôi động hơn hẳn. Giá các thiết bị từ vài trăm tới vài triệu đồng.


"Gần đây, các loại pin sạc dự phòng được người tiêu dùng quan tâm vì tiện dụng hơn hẳn pin dự phòng hay sạc đa năng", anh Mạnh Ngân, chuyên kinh doanh phụ kiện điện thoại - máy tính bảng trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội), cho biết. Các loại pin sạc dự phòng có nhiều loại dung lượng khác nhau (từ 500 mAh tới hơn mười nghìn mAh). Pin sạc có dung lượng lớn nhất trên thị trường được VnExpress.net ghi nhận được là 18.000mAh. "Mỗi chiếc pin sạc có tác dụng như một bình lưu trữ điện có thể sạc được cho nhiều thiết bị khác nhau (điện thoại, laptop, máy tính bảng,…). "Ưu điểm nổi bật của pin sạc là có thể bổ sung năng lượng tức thì cho thiết bị ngay khi đang gọi điện, chơi game mà không gây gián đoạn. Trong khi đó, các loại pin dự phòng chính hãng thường khó kiếm và gây gián đoán hoạt động, còn sạc đa năng phụ thuộc nguồn điện", anh Ngân cho biết.

Tại nhiều cửa hàng phụ kiện, siêu thị, pin sạc dự phòng được bày bán vô cùng đa dạng từ mẫu mã, dung lượng đến nhà cung cấp. Các thương hiệu phổ biến có thể kể đến như Mili Power, Yoobao, Cooler Master, Enerziger… Ngoài ra, còn rất nhiều các thương hiệu xuất xứ Trung Quốc và hàng trôi nổi không hề ghi tên tuổi nhà sản xuất. Thương hiệu bình dân hay hàng trôi nổi chủ yếu tập trung vào chức năng pin sạc, mẫu mã đơn giản. Các thương hiệu tên tuổi còn chú trọng thiết kế siêu gọn, siêu mỏng hay tích hợp thêm nhiều tính năng (pin sạc kiêm vỏ ốp, tích hợp máy chiếu, đầu đọc thẻ SD kết nối với thiết bị qua sóng Wi-Fi)… Giá các sản phẩm do đó cũng rất khác nhau. Hàng trôi nổi giá chỉ từ 200 – 400 nghìn đồng. Trong khi đó, sản phẩm có thương hiệu giá cao hơn từ 150 – 400% cho sản phẩm có dung lượng tương đương. Đơn cử như một pin sạc dung lượng 1900 mAh hàng trôi nổi khoảng 200 nghìn đồng, pin sạc 2600 mAh của Konfulon giá 270 nghìn đồng, pin sạc dung lượng 2000 mAh Mili Power Miracle HB B20 800 nghìn đồng. Các loại pin sạc dung lượng từ 4000 mAh trở lên hàng chính hãng giá từ trên 1,5 triệu đồng, trong đó pin sạc 18.000 mAh nói trên giá bán gần 6 triệu đồng. Nhiều người tiêu dùng cho biết họ thấy bất tiện bởi các loại pin sạc thường không có chung mức dung lượng để người tiêu dùng tiện so sánh giá cả.

Môt mẫu hàng trôi nổi được bán ở nhiều cửa hàng phụ kiện, không hề có tên sản phẩm, nhà sản xuất trên bao bì.
 Ảnh: Hải Mỹ.


“Người tiêu dùng nên tùy vào nhu cầu mà chọn loại có dung lượng phù hợp”, một nhân viên phụ kiện ở siêu thị Media Mart chia sẻ. Nếu dùng cho điện thoại thì cỡ 2000 mAh là vừa. Nếu dùng cho cả điện thoại và máy tính bảng nên chọn loại 4000 – 8000 mAh. Nếu thêm cả laptop thì có thể chọn loại 10.000 mAh trở lên.

Theo phản ánh của nhiều cửa hàng, siêu thị, pin sạc dung lượng 2000 mAh bán chạy nhất. Với dung lượng này, nhiều khách hàng cũng quan tâm đến thiết kế nhỏ gọn. Một số sản phẩm có thiết kế giống chiếc thẻ ATM hay dạng móc khóa bán khá tốt.

Tâm lí chung của nhiều người tiêu dùng là thích dung lượng lớn, giá rẻ. Vì vậy, một số loại pin sạc trôi nổi vẫn được lựa chọn. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng khá kĩ tính trong việc chọn mua pin sạc. Anh Hồng Sơn, thành viên diễn đàn Winphoneviet, chia sẻ: "Các hãng lớn như Apple yêu cầu rất khắt khe đối với pin sạc dự phòng, thậm chí chỉ định nhà sản xuất phụ kiện pin sạc là có lí của họ, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ thiết bị. Qua tìm hiểu mình được biết nếu thiết bị sạc không đúng công suất sẽ gây nóng máy, làm giảm dung lượng pin theo thời gian (“chai” pin)". Ví dụ, với những pin sạc dự phòng không rõ nguồn gốc hay kém chất lượng, thường nguồn điện ra vào không ổn định. Nguồn điện đầu vào của iPhone 4 là 5V, tuy nhiên, các loại pin kém chất lượng nguồn đầu vào được kích lên 7 – 8V khiến sạc nhanh nhưng pin sớm bị "chai" và gây nóng máy ảnh hưởng đến tuổi thọ của điện thoại”. Vì vậy, anh Sơn thường chấp nhận chọn các thương hiệu tên tuổi, đắt hơn chút nhưng an tâm.

Anh Ngân cho biết một số loại pin sạc không chính hãng có thông số dung lượng ghi trên bề mặt sản phẩm không đúng với dung lượng thực tế. Nhiều loại dung lượng ít hơn nhưng được các nhà sản xuất kích lên 4.000 – 5.000 mAh, thậm chí 8.000 mAh. Với dung lượng này, theo đúng lí thuyết sẽ sạc đầy pin cho iPhone 4 được từ 5 lần, nhưng thực tế, chỉ sạc được 1 – 2 lần là điện trong pin dự phòng hết nhẵn. Việc kích ảo dung lượng làm pin sạc nhanh hỏng.

Kiểm tra dung lượng thực của pin sạc theo cách thủ công là xả hết pin của thiết bị rồi sạc đầy bằng pin sạc.
Ảnh: Hải Mỹ.


Để kiểm tra dung lượng thực của pin sạc, kinh nghiệm “thủ công” của anh Sơn là sạc đầy cho pin sạc dự phòng. Xả sạch pin của thiết bị có dung lượng pin gần bằng dung lượng pin dự phòng, lấy pin sạc dự phòng sạc cho thiết bị. Sau khi sạc xong, pin sạc dự phòng hết và pin của thiết bị đầy. Chứng tỏ pin sạc dự phòng có dung lượng pin như niêm yết bao bì.

Cũng theo anh Sơn, cách tốt nhất để tránh mua phải hàng trôi nổi, hàng nhái là mua ở những cửa hàng, siêu thị có tên tuổi, chọn sản phẩm của những thương hiệu lớn, trên trên bao bì sản phẩm có dán tem bảo hành, tem chính hãng, các chi tiết trên phẩm phải rõ ràng đặc biệt phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo thongtincongnghe.com