Thủ tướng: Không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16

Nguyệt Hằng 23:26, 03/04/2020

Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan ra cộng đồng ở mức độ cao có thể dẫn đến phá vỡ hệ thống cơ sở vật chất phòng, chống dịch.

Thủ tướng sẽ sớm ban Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trên tinh thần không làm suy yếu các biện pháp trong Chỉ thị này, đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến chiều nay (3/4) giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cuộc họp này diễn ra ở thời điểm, số người mắc COVID-19 ở 206 quốc gia và vùng lãnh thổ được ghi nhận đã vượt 1 triệu người, trong đó hơn 54 nghìn người đã tử vong. Số người mắc ở Mỹ chiếm ¼ của Thế giới.

Như vậy, từ khi dịch bắt đầu, 67 ngày mới có 100 nghìn người mắc bệnh thì bây giờ chỉ còn khoảng 1 ngày. Ở Việt Nam, sau 70 ngày qua có dịch COVID-19, trên 230 người mắc bệnh được ghi nhận, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 50 người, còn Hà Nội gần gấp đôi và chiếm 40% của cả nước. Trong đó, có 46 ca nhiễm trong cộng đồng mà đa phần là có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Tin vui là đến chiều nay, đã có 85 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và chưa có người tử vong.

Thường trực Chính phủ và các thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đều cho rằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng nhằm giãn cách xã hội là rất đúng đắn, cần thiết và cơ bản được các địa phương cũng như người dân tự giác thực hiện tốt. Việc này cho thấy người dân tin tưởng vào chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Dù có cách hiểu khác nhau nhưng cách ly xã hội là một biện pháp có tính chất quyết định, trong phòng chống COVID-19, đi cùng với tiếp tục hạn chế các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam, nhất là qua biên giới trên bộ. Bởi khoảng dân số thế giới đang phải ở trong nhà, trong đó, nhiều nước còn áp dụng những biện pháp phong tỏa, bắt buộc mạnh mẽ hơn, kể cả thiết quân luật. Nhưng Việt Nam, Thủ tướng mới chỉ khuyến nghị, yêu cầu người dân ở trong nhà để tự bảo vệ mình và gia đình mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng còn rất lớn, vì thế ít nhất từ nay đến giữa tháng, cả nước phải huy động tổng lực, phối hợp nhuần nhuyễn và nghiêm túc trong phòng chống dịch, trên tinh thần khóa chặt không cho mầm bệnh xâm nhập vào từ bên ngoài, đồng thời dập các ổ dịch từ bên trong.

Quan trọng nhất là phải tìm ra được kịp thời các ổ dịch và những người lây nhiễm để xử lý, ngoài ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và Quán Budda ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các cơ quan và chính quyền địa phương phải hết sức lưu ý công tác phòng, chống dịch tại các nhà dưỡng lão, các trung tâm cai nghiện và các trại giam.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất máy thở. Hiện một công ty sản xuất ô tô trong nước đã hợp tác với các đối tác Mỹ để trong tháng này sẽ sản xuất được máy thở tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng cam kết sẽ rút ngắn quy trình cấp phép sản xuất trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ.

Hiện, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu sản xuất dụng cụ trợ thở đơn giản và đã tiếp nhận hơn 150 máy thở trong lô hàng mua dự phòng gần 300 chiếc. Đồng thời đang khẩn trương mua thêm gần 1.500 chiếc nữa nhằm đề phòng dịch bệnh diễn biến xấu hơn, mặc dù trong hơn 230 bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, mới chỉ có 4 bệnh nhân phải sử dụng máy thở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ưu tiên thứ hai là phải kịp thời chăm lo cho những người nghèo, người bị giảm thu nhập sâu do dịch bệnh. Do đó, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải rà soát để nắm chắc được những người này để hỗ trợ đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và Chính quyền các địa phương phải chủ động có các biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, khi dịch bệnh làm cho nhiều người bị mất thu nhập. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, kể cả người nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Ngoại giao theo dõi các nước đề nghị hợp tác với Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, nhất là cung cấp các vật tư y tế mà Việt Nam sản xuất được, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Đây là việc làm thể hiện trách nhiệm của Việt Nam khi đang là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Minh Thùy/TH