Thủ tướng Phạm Minh Chính: 3 phương hướng lớn để con thuyền ASEAN - Nhật Bản vượt mọi thách thức, rẽ sóng vươn xa

07:48, 18/12/2023

Đúc rút 3 bài học sâu sắc trong chặng đường phát triển quan hệ ASEAN - Nhật Bản 50 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN - Nhật Bản trở thành hình mẫu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 3 phương hướng lớn để con thuyền ASEAN - Nhật Bản vượt mọi thách thức, rẽ sóng vươn xa- Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngày 17/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định coi trọng mối quan hệ đoàn kết hợp tác với Nhật Bản, đối tác lâu đời, đáng tin cậy nhất của ASEAN, cùng đóng góp vào sự phát triển của mỗi bên cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả khu vực. 

Sau 50 năm không ngừng củng cố và phát triển, đến nay hợp tác ASEAN - Nhật Bản đã mở rộng tới tất cả các lĩnh vực và hai bên đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023.

Đáng chú ý, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Nhật đạt 268,5 tỷ USD, vốn đầu tư đạt 26,7 tỷ USD trong năm 2022. Nhiều hoạt động hoạt động giao lưu, văn hóa, hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng... được triển khai mạnh mẽ đã góp phần củng cố vững chắc sự gắn kết giữa hai bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 3 phương hướng lớn để con thuyền ASEAN - Nhật Bản vượt mọi thách thức, rẽ sóng vươn xa- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí sẽ đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng với tầm vóc của Đối tác Chiến lược Toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực, tạo thuận lợi hơn cho hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau. Đồng thời, ASEAN và Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Các nhà Lãnh đạo cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia…

Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Nhật Bản coi ASEAN là một trong ưu tiên chính sách đối ngoại nói chung và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (FOIP) của Nhật Bản nói riêng; cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực. 

Nhân dịp này Thủ tướng Nhật Bản, Kishida Fumio công bố khoản hỗ trợ trị giá 40 tỷ Yên cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa - giáo dục và 15 tỷ Yên cho các chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu quốc tế (tiếp theo khoản đóng góp thêm 14,2 tỷ Yên cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) đã được công bố từ đầu năm).

Các đại biểu dự Hội nghị đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các nước cho rằng trong bối cảnh phức tạp, bất ổn, xung đột gia tăng, các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, đề cao văn hoá đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 3 phương hướng lớn để con thuyền ASEAN - Nhật Bản vượt mọi thách thức, rẽ sóng vươn xa- Ảnh 3.

Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho nhân tố con người - chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển nói chung và của quan hệ ASEAN-Nhật Bản nói riêng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao ý nghĩa lịch sử của Hội nghị, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, điển hình là trong những thời điểm khó khăn như khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á 1997-1998, COVID-19 hay thảm hoạ, thiên tai ở mỗi khu vực. 

Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thành công nhất của ASEAN, đồng thời đề nghị trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều "cơn gió ngược" với nhiều thách thức chưa có tiền lệ, hai bên cần tăng cường hợp tác, phấn đấu đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản trở thành một biểu tượng của đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở tổng kết, đúc rút 3 bài học sâu sắc trong chặng đường phát triển quan hệ ASEAN-Nhật Bản 50 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực.

Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 3 phương hướng lớn để con thuyền ASEAN - Nhật Bản vượt mọi thách thức, rẽ sóng vươn xa- Ảnh 4.

Các nhà Lãnh đạo cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho nhân tố con người - chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển nói chung và của quan hệ ASEAN-Nhật Bản nói riêng; hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân trong khuôn khổ "đối tác từ trái tim đến trái tim" ASEAN-Nhật Bản trong đó có 500 hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong 2023. 

Đồng thời đề nghị cần cụ thể hóa quan hệ "từ trái tim đến trái tim" trở thành quan hệ "từ hành động đến hành động", và "từ cảm xúc đến hiệu quả" với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, thương mại, đầu tư, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Nhật Bản; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác ASEAN-Nhật Bản thời gian tới; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 3 phương hướng lớn để con thuyền ASEAN - Nhật Bản vượt mọi thách thức, rẽ sóng vươn xa- Ảnh 5.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản chụp ảnh chung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trên tinh thần lấy tin cậy chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng con thuyền ASEAN-Nhật Bản sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua "Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy" và "Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn", làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản thời gian tới.

* Tiếp theo cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo chiều 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục có cuộc trao đổi riêng với Thủ tướng Nhật Bản Kishida trong khuôn khổ Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp nguồn vốn ODA thế hệ mới cho các dự án xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi xanh, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam, với mức ưu đãi cao hơn, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn; thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người Việt, bao gồm tăng cường tiếp nhận người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc; sớm đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực cho người Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida bày tỏ vui mừng trước thành công của cuộc hội đàm cấp cao ngày 16/12 vừa qua; khẳng định hết sức coi trọng các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất của Việt Nam.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-3-phuong-huong-lon-de-con-thuyen-asean-nhat-ban-vuot-moi-thach-thuc-re-song-vuon-xa-102231217184049531.htm