Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên

11:41, 23/10/2023

Tại phiên họp Quốc hội sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, chất lượng GD phổ thông, đại học, GD nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên.

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV (sáng 23/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên.

Theo đó, học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Năm 2023, đội tuyển tham dự các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đều đạt thành tích cao. Cụ thể: 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương đồng và 5 Bằng khen.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế (năm 2023, có 5 đại diện lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới của Quacquarelli Symonds). Theo bảng xếp hạng của Research.com (tháng 3/2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV. ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV.

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam hiện có nhiều nhà khoa học có uy tín được thế giới vinh danh. Cụ thể,13 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng thế giới ở 7 lĩnh vực: Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng và Khoa học xã hội và nhân văn.

Năm 2023 cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ. Theo đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện 3 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia vào ngày 28/10/2023 tại Hà Nội.

Đồng thời, triển khai 19 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 theo định hướng: phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi "Sáng tạo robot năm 2023" do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. ảnh 2

Học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi "Sáng tạo robot năm 2023" do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online), công tác hỗ trợ các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ tiếp tục được triển khai hiệu quả; cơ sở dữ liệu về công nghệ liên tục được cập nhật.

Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (hạng 5) và Malaysia (hạng 36), Thái Lan (hạng 43). Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm đầu tư. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng.

Nhấn mạnh một trong những mục tiêu tổng quát năm 2024, Thủ tướng trao đổi: Cần quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chat-luong-giao-duc-tiep-tuc-duoc-nang-len-post658494.html)