Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo phải lấy thế hệ trẻ là trung tâm

14:30, 03/10/2024

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một trong những quan điểm hàng đầu về đổi mới sáng tạo của nước ta là phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, làm động lực và nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực về đổi mới sáng tạo

Chia sẻ tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) hôm 1/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, về cơ sở chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

461784070_973851628112951_1019577050531757446_n

Về cơ sở pháp lý, đổi mới sáng tạo được quy định rõ trong nhiều luật, nhất là Luật Khoa học và công nghệ chỉ rõ, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo liên quan đến nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và cần phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đối với từng chủ thể, từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước.

Về căn cứ thực tiễn, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, của đất nước, cũng như trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhờ những cơ chế hỗ trợ kịp thời, và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận trên nhiều lĩnh vực và tạo ra những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cụ thể, đến nay, nước ta đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TPHCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Mới đây, Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 do WIPO công bố cũng cho thấy Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.

Phân tích bối cảnh thế giới, trong nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, khó lường; đặc biệt sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.

Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.

3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Thủ tướng nêu rõ, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.

Nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…

Do vậy, Thủ tướng đã nêu 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như sau: 

Thứ nhất, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Để đổi mới sáng tạo được hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện thể chế (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển...).

Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…).

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…).

Thứ tư, tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước…).

Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia (xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp).

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế (trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu...).

461583969_973853944779386_1397764931651740241_n

Chính phủ trong thời gian tới cũng sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không làm thay các bộ, ngành, địa phương).

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn phong phú của các hoạt động đổi mới sáng tạo để ứng phó phù hợp với những vấn đề mới phát sinh.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra (Trung ương đã thống nhất quan điểm triệt để phân cấp để các địa phương thực hiện, gắn quyền với trách nhiệm).

Đặc biệt lưu ý những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để có giải pháp phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn (không dập khuôn máy móc, tránh bệnh hình thức, chủ nghĩa thành tích).

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là tiếp cận với nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…