Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

10:12, 10/04/2024

Ngày 9/4, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Báo cáo là ấn phẩm thường niên hàng năm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Cục Phát triển doanh nghiệp chủ trì.

Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đầu mối là Cục Phát triển doanh nghiệp) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023.

Báo cáo nêu bật một số nội dung quan trọng. Trước hết, xuất hiện thuật ngữ “Chuyển đổi kép” - xu hướng CĐS kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Tiếp theo, phân tích mức độ sẵn sàng của DN (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa-DNNVV) năm 2023 cho thấy, các DN đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của mình.

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7-1.4 điểm so với năm trước. Ông Dennis Quennet cho biết, "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp, xây dựng khối kinh tế tư nhân vững mạnh, đồng thời hỗ trợ các DN Việt điều chỉnh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường châu Âu và quốc tế”.

Ở góc độ DN hỗ trợ, ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc CĐS Misa cho biết, đến nay, DN đã có nhận thức đúng, đủ về CĐS và có kết quả khả quan, bằng chứng là doanh thu cho dịch vụ ứng dụng cho CĐS tăng lên, tỷ lệ khách hàng sử dụng các nền tảng số tăng, chất lượng tăng lên. Đo đếm số liệu về quản trị, kế toán, nhân sự...Theo ông Biển, mặc dù nhận thức đúng, tương đối đủ về CĐS, nhưng mức độ áp dụng CĐS ở DNNVV còn chưa nhiều và chưa đạt được như kỳ vọng trong quá trình CĐS. Kết nối, liên kết trong nội bộ của DN hiện còn yếu và thiếu. Đặc biệt, DN còn khá mơ hồ về CĐS kép- CĐS xanh, do đó, qua chương trình này, các đơn vị cần tiếp tục ứng dụng số, tạo ra sự CĐS toàn diện.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dù DN có đủ nhận thức, kiến thức về CĐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi. Vì vậy, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết để DN bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/thuc-day-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh)