Thúc đẩy phát triển khu công nghệ sinh học, cụm công nghiệp làng nghề
Thời gian tới, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Dự án Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập vào cuối tháng 9/2024 với quy mô gần 200 ha tại quận Bắc Từ Liêm. Dự án hướng đến phát triển công nghệ cao, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học.
Trước đó, dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng chậm triển khai do quá trình rà soát quy hoạch sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, cùng với những thay đổi trong các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng...
Kể từ năm 2021 đến nay, lãnh đạo TP. Hà Nội đã tích cực tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ. Đến nay, dự án đã cơ bản được gỡ vướng về cơ sở pháp lý, cơ chế để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Hà Nội đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, cụm công nghiệp làng nghề... Ảnh minh họa
Tại cuộc họp hồi tháng 2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đây là dự án chậm triển khai nhiều năm. Vì vậy, việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ của dự án là yêu cầu cấp bách.
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND quận Bắc Từ Liêm cần tập trung, quyết liệt chỉ đạo, với tinh thần khẩn trương, nỗ lực hơn nữa, phấn đấu khởi công dự án vào ngày 2/9.
Bên cạnh đó, cần phấn đấu phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000 trong tháng 3 và hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất trong tháng 8.
Xác định khu công nghệ cao sinh học Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm được Thành phố đặc biệt quan tâm, thời gian qua, các cấp chính quyền quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, quyết tâm để dự án khởi công đúng tiến độ theo yêu cầu của Thành phố.
Lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm khẳng định, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển khu công nghệ cao sinh học Hà Nội là dự án trọng điểm của Thành phố, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, quận quan tâm chỉ đạo; đồng thời là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quận trong giai đoạn tới.
Vì vậy, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Quận ủy, UBND quận, sự vào cuộc tích cực với quyết tâm cao của các ngành, các phường và đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phạm vi thu hồi đất thực hiện Dự án.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 154/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế năm 2025 trên địa bàn lĩnh vực kinh tế ngành. Theo đó yêu cầu các sở, ban, ngành bám sát nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu tại Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/2/2025 của UBND Tthành phố và Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 25/02/2025 của HĐND Thành phố
Trong đó, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo hướng "sáng - xanh - sạch - đẹp". Tập trung cải cách thủ tục hành chính, chủ động phối hợp các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành sớm nhất xây dựng hạ tầng công nghiệp đồng bộ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thu hút nhà đầu tư.
Theo Kế hoạch số 20/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn năm 2025 do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp còn lại, hoàn tất mục tiêu 43 cụm công nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2018-2020. Ngoài ra, các cụm công nghiệp hiện hữu cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu theo quy định mới của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% cụm công nghiệp xây dựng mới sẽ có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong khi các cụm công nghiệp và làng nghề đang hoạt động cũng phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư có trách nhiệm cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải trong cụm công nghiệp, bảo đảm tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, đồng thời bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng như các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp. Việc duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật cũng được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút đầu tư.
Song song việc cải thiện hạ tầng, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tận dụng tối đa lợi thế của các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, giúp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.
Việc hoàn thiện, mở rộng và nâng cấp hệ thống cụm công nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Thủ đô. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Thành phố trong việc quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và người dân…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề; hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương.