Thương mại điện tử có nhiều cơ hội phát triển ‘bứt phá’ sau đại dịch Covid-19
Ngày 4/11 tại Hà Nội, trường Đại học Thương mại phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong kỷ nguyên số”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt, qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp có thể nhanh chóng đặt hàng cũng như tiếp cận khách hàng ở những khối thị trường lớn, khó tính như: Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU…
Việc chuyển đổi số một cách tự nguyện của các doanh nghiệp sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tăng tốc cho các hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Chưa bao giờ hoạt động ứng dụng TMĐT trong kinh doanh được nhắc tới và thực hiện nhiều như hiện nay.
Trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thương mại điện tử sẽ là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời sẽ là công cụ hữu hiệu trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sau đại dịch Covid-19.
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp TMĐT và công nghệ thông tin trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng, các cơ hội và thách thức của quá trình phát triển của TMĐT Việt Nam hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu mới, đề xuất các giải pháp phát triển TMĐT Việt Nam trong bối cảnh các công nghệ kỹ thuật số đang được ứng dụng một cách rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh doanh.
Đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình đồng thời thúc đẩy sự phát triển của TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới tương xứng với những tiềm năng vốn có và kỳ vọng đột phá trong khu vực.
Phát biểu tại hội thảo TS Lê Trung Hiếu - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã và đang trở thành những điều kiện rất tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng kênh trực tuyến nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo “TMĐT Việt Nam tăng tốc sau Covid-19” của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã thích nghi nhanh và thay đổi thói quen vận hành, tổ chức và quản lý hoạt động của mình. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành của doanh nghiệp và nhân viên, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng…
TS Lê Trung Hiếu nhấn mạnh: Đại dịch tạo đà và đẩy mạnh hoạt động TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam, khi khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam không còn cách nào khác là buộc phải ngồi trước màn hình máy tính để tìm kiếm sản phẩm và thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua các thiết bị điện tử… Do đó, kỳ vọng thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam có thể phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Trần Hưng, Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử (Trường Đại học Thương mại), TMĐT tại Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng các nhà nghiên cứu cũng phải nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề còn tồn tại, cần giải quyết. TS Nguyễn Trần Hưng đã chỉ ra rằng, niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao khi hầu hết giao dịch TMĐT tại Việt Nam chủ yếu sử dụng hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng); thất thu thuế trong TMĐT vẫn còn đang diễn ra; các vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, hàng hóa không đúng với mô tả của người bán và vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua sắm trực tuyến còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực cho TMĐT ở nước ta hiện nay thực sự đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng…
Trước thực tế đó, TS Ngô Tuấn Anh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ và doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển, hoàn thiện mô hình thanh toán TMĐT, xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động trên môi trường trực tuyến..., nhằm tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một chiến lược được hoạch định rõ ràng trong việc chống lại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường mạng, đảm bảo an ninh an toàn mạng. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền thực thi quyền sở hữu trí tuệ tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phổ biến các cam kết và công ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do… Đặc biệt, cần có các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an ninh an toàn trên môi trường mạng, có như vậy mới có thể thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững.
Thanh Tùng