Tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước, Bộ Công an nói gì?
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn Chip điện tử và mã QRCode không theo dõi và không thể theo dõi. Bộ công an và bất cứ cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi trên thẻ này...
Đại biểu Quốc hội lo dễ lộ lọt thông tin cá nhân
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là về cân nhắc việc tích hợp mã QR cùng với chip điện tử trên thẻ căn cước.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh VPQH cung cấp).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý với việc quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Không xung đột với các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên. Không ảnh hưởng đến chức năng quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan với các giấy tờ dữ liệu đang quản lý. Trong điều kiện mà bảo đảm và bảo mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc có trao đổi về ý kiến cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cho cử tri và nhân dân nắm bắt được các quy định mới để việc tác động đến tâm lý đối với những quy định này không tạo ra những dư luận không tốt về các luật Quốc hội xem xét, thông qua.
Liên quan đến việc Ban soạn thảo dự thảo Luật đề nghị song song với việc gắn chip là việc sử dụng mã QR, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ dùng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không nên tích hợp mã QR cùng với chip điện tử trên thẻ căn cước.
Lý do đại biểu đưa ra, vì qua các vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân, tài khoản từ sơ suất, từ rủi ro khi sử dụng dịch vụ, tiện ích quản lý thông tin cá nhân với thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian qua và hiện nay rất tinh vi thì việc tích hợp mã QR trên căn cước sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ bị đánh cắp thông tin. Đặc biệt, với người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc thường xuyên dính sử dụng các dịch vụ tiện ích và giao dịch dân sự.
Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định. (Ảnh VPQH cung cấp).
Bày tỏ nhất trí với ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Phúc về mã QR và chíp điện tử, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đề nghị Bộ Công an và Ban soạn thảo quan tâm tới vấn đề này. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân.
Theo đại biểu, mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân do đó đại biểu đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước. Đại biểu cũng nhất trí với tên Luật Căn cước như các đại biểu đã góp ý tại phiên họp.
Đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất về sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân. Ngoài căn cước gắn chip, chúng ta sẽ tiếp tục gắn căn cước điện tử để làm sao đảm bảo cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là một trong 70 quốc gia sẽ đứng đầu về Chính phủ điện tử, đây là một vấn đề rất lớn. Thẻ căn cước công dân có gắn chip hoặc gắn chip điện tử rất có lợi cho công dân, chúng ta sử dụng sẽ tích hợp nhiều nội dung đối với người dân, sẽ có lợi ích rất tốt.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Công an giải thích thêm vì nhiều người dân đặt vấn đề là khi mang thẻ căn cước có gắn chip, thẻ căn cước điện tử, đi đến đâu đó thì có khi nào Bộ Công an hay công an có theo dõi hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh VPQH cung cấp).
Đề nghị cân nhắc quy định phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt và nhóm máu
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để triển khai Đề án 06, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong các trường thông tin quy định, có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ. Các trường thông tin còn lại nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại. Các thông tin này sẽ được cập nhật qua cung cấp tự nguyện của người dân và được chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch hành chính, dân sự.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.
Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Về thông tin sinh trắc học quy định 2 trường hợp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn Tp.Hồ Chí Minh đề nghị chỉ nên giới hạn thu thập thông tin trong trường hợp tố tụng, hình sự, người bị áp dụng biên pháp xử lý hành chính.
Tranh luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…
Đại biểu Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt nên việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.
Về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai, và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.
Về quản lý người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở nước ta, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương nhấn mạnh, dự thảo quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ngày 25/10. (Ảnh VPQH cung cấp).
Thẻ căn cước gắn chip không thể bị theo dõi
Với những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH, thay mặt cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có sự giải trình trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo Luật căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật cũng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chuyển đổi số của nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện.
Trước ý kiến băn khoăn về phản ánh của nhân dân về việc khi sử dụng chip hoặc mã QR thì có bị theo dõi không, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này.
Đồng thời, Bộ Công an cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào; không thể lợi dụng được những việc đó để theo dõi việc này, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp. Đây có thể là những thông tin mà những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân./.
Theo thuongtruong.com.vn