Tiến sĩ Việt vào top nhà khoa học trẻ tài năng
09:15, 04/02/2021
Đỗ Vân Khanh (31 tuổi) được chọn là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ ngành khoa học về thần kinh (Neuroscience) do Viện Sức khỏe Hoa Kỳ (National Institute of Health, NIH) xét duyệt.
TS Đỗ Vân Khanh (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu ở Mỹ - Ảnh: NVCC
Đặc biệt, cô là người duy nhất không có quốc tịch Mỹ đạt giải thưởng này.
Trước đó, Đỗ Vân Khanh là sinh viên khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Cô nhận học bổng toàn phần từ Quỹ Giáo dục VN (VEF) năm 2013 để sang Mỹ học sau ĐH.
Tôi hi vọng sẽ thành lập được nhóm nghiên cứu riêng tại Việt Nam về lipidomics và các ứng dụng của lipidomics.
TS Đỗ Vân Khanh
Trước đó, Đỗ Vân Khanh là sinh viên khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Cô nhận học bổng toàn phần từ Quỹ Giáo dục VN (VEF) năm 2013 để sang Mỹ học sau ĐH.
Tôi hi vọng sẽ thành lập được nhóm nghiên cứu riêng tại Việt Nam về lipidomics và các ứng dụng của lipidomics.
TS Đỗ Vân Khanh
30 nhà khoa học trẻ hàng đầu
Thư thông báo về giải thưởng của hội đồng giám khảo từ NIH gửi TS Đỗ Vân Khanh nhấn mạnh: "Hồ sơ đề cử chúng tôi nhận được là nghiên cứu cũng như quá trình trau dồi, trao đổi học thuật của cô rất tuyệt vời. Điều này có giá trị đảm bảo cho giải thưởng danh giá mà cô đạt được từ chúng tôi".
Năm 2020, giải thưởng nói trên lần đầu tiên được NIH tổ chức theo hình thức đề cử từ các trường/viện/trung tâm nghiên cứu khoa học và sức khỏe trên 50 tiểu bang toàn nước Mỹ.
Giải thưởng xét duyệt dựa trên tầm quan trọng và các đóng góp của ứng viên trong khoa học. Theo đó, 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ chuyên ngành khoa học về thần kinh được lựa chọn và có cơ hội thuyết minh công trình nghiên cứu của mình cho các chuyên gia hàng đầu của NIH.
Công trình nghiên cứu TS Đỗ Vân Khanh đã trình bày có nội dung: "The Lipidomics in Neurodegeneration" - tạm dịch: "Vai trò của nghiên cứu khoa học về chất béo đối với các bệnh lý suy giảm chức năng thần kinh".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Vân Khanh cho biết lipidomics là lĩnh vực nghiên cứu mới cho phép nghiên cứu một cách toàn vẹn nhất các phân tử chất béo trong cơ thể cũng như tương tác của các phân tử chất béo với nhau, với các phân tử khác như protein, bộ gene và các chức năng sinh học khác.
"Việc tiến hành nghiên cứu chất béo cho hệ thần kinh, đặc biệt là não bộ và lớp võng mạc của mắt là vô cùng cần thiết và quan trọng. Bởi vì chất béo là thành phần chiếm tới một nửa trọng lượng khô của tế bào ở hai cơ quan này.
Qua đó, nghiên cứu khoa học về chất béo sẽ mở ra một cánh cửa mới cho việc tìm hiểu cơ chế gây các bệnh suy giảm chức năng thần kinh và xa hơn là phát triển các phương pháp chẩn đoán sớm cũng như là điều trị bệnh hiệu quả" - TS Khanh nói.
Nghiên cứu sự quan trọng của chất béo
Năm 2019, nghiên cứu sinh Đỗ Vân Khanh tốt nghiệp tiến sĩ ngành thần kinh học tại Viện Nghiên cứu y khoa và sức khỏe tại TP New Orleans (Mỹ) dưới sự hướng dẫn của giáo sư đầu ngành Nicolas Bazan.
Công trình nghiên cứu chính cô thực hiện có tên "Elovanoids counteract oligomeric ß-amyloid-induced gene expression and protect photoreceptors" được đăng trên tạp chí PNAS (The Proceedings of the National Academy of Sciences - Impact factor 2019 là 9.412) - một trong những tạp chí lâu đời nhất thế giới với hơn 100 năm tuổi.
Khanh cho hay hiện cô đang nghiên cứu về sự quan trọng của các chất béo có dẫn xuất từ omega-3, đặc biệt từ Docosahexaenoic acid (DHA) trong quá trình lão hóa và suy giảm chức năng của tế bào thần kinh.
"Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu về DHA và các dẫn xuất chất béo có hoạt tính sinh học trong não bộ và võng mạc của mắt vì hơn 90% omega-3 được tìm thấy ở hai cơ quan này. Hơn nữa, chất béo là thành phần cơ bản của màng tế bào, đặc biệt là ở tế bào thần kinh. Trong các bệnh lý về mắt cũng như về não mà tôi đang nghiên cứu đều có sự mất cân bằng về các chất béo" - TS Vân Khanh chia sẻ.
TS Hà Thị Thanh Hương - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết thêm: "Lipidomics là một lĩnh vực mới nổi trong nghiên cứu khoa học sinh học.
Đặc biệt, TS Vân Khanh đã làm việc với elovanoids, được phát hiện bởi phòng thí nghiệm của TS Bazan. Elovanoids được làm từ axit béo omega-3, hứa hẹn như một công cụ chẩn đoán sớm tiềm năng và phương pháp điều trị cho các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer ở não bộ và bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt".
Muốn về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu
TS Đỗ Vân Khanh hiện tham gia chính trong nhiều hợp tác nghiên cứu với Viện Karolinska (Thụy Điển) - nơi diễn ra sự kiện xét duyệt và trao giải Nobel hằng năm; các ĐH như McGill (Canada), Cornell, Denver, Viện Mắt quốc gia Mỹ và hệ thống bệnh viện tại New Orleans, nơi cô đang sinh sống.
Sau khi nhận giải thưởng và trao đổi học thuật với các giáo sư hàng đầu tại NIH, TS Vân Khanh được NIH mời về làm việc, cũng như nhận được hỗ trợ nghiên cứu từ quỹ phát triển của NIH.
Nói về dự định sắp tới, TS Vân Khanh chia sẻ: "Vì có nhiều dự án hợp tác nên tôi sẽ cố gắng hoàn thành.
Nhưng sau đó, tôi muốn về Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu. Tôi hi vọng sẽ thành lập được nhóm nghiên cứu riêng tại Việt Nam về lipidomics và các ứng dụng của lipidomics. Trong thời gian ổn định nhóm nghiên cứu tại quê hương, tôi vẫn giữ liên lạc với Dr. Bazan và phòng thí nghiệm hiện tại".
Giáo sư Nicolas Bazan (Viện Nghiên cứu y khoa và sức khỏe TP New Orleans, Mỹ):
Nhân tố quan trọng của nhóm nghiên cứu
Đỗ Vân Khanh là một trong số ít sinh viên xuất sắc nhất tôi từng hướng dẫn. Đặc biệt, cô ấy rất thông minh, biết lắng nghe và sẵn sàng tham gia những đề tài khó trong lab. Với phong thái làm việc chuyên nghiệp, Khanh là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong nhóm nghiên cứu hơn 20 người của tôi, nhất là về mảng lipidomics.
Lipidomics đòi hỏi người nghiên cứu phải rất tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình tách chiết và phân tích. Hiện nay Khanh tham gia nhiều dự án hợp tác trong và ngoài nước Mỹ.
Ngoài ra, cô còn hướng dẫn các sinh viên thực tập ngắn hạn tại phòng thí nghiệm trong dịp hè. Tôi nghĩ khó tìm được một người khác có thể thay thế Khanh, nên tôi buồn khi biết cô ấy có ý định trở về Việt Nam.
Nhưng khi nghe Khanh nói muốn trở về quê hương để đóng góp cho khoa học nước nhà, tôi lại rất vui. Tôi tin với một người có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và nghiêm túc trong công việc như Khanh, dù ở đâu cô ấy vẫn luôn thành công.
Theo Tuổi trẻ