Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái cơ sở theo Đề án 06

10:12, 06/07/2023

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đến nay các cơ sở dữ liệu (CSDL) của các ngành trên địa bàn Hà Nội đang được triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó có cơ sở dữ liệu dân cư, hộ tịch, y tế, an sinh xã hội, CSDL doanh nghiệp, CSDL đất đai, CSDL cán bộ công chức, …

Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư là một trong 5 nhóm tiện ích của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: VGP

eo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 06 Thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, để triển khai nhiệm vụ triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã và các phòng nghiệp vụ có liên quan triển khai nhiều giải pháp để làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" trên địa bàn như cập nhật CMND 9 số, cập nhật các trường thông tin công dân còn thiếu; Điều chỉnh chủ hộ. Cùng với đó thì cơ sở dữ liệu đoàn, hội như Hội nông dân; Hội người cao tuổi; Hội cựu chiến binh; Hội chữ thập đỏ cũng đã được triển khai.

Tính đến ngày 6/6/2023, đã có 09/30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành việc số hóa Sổ hộ tịch với tổng số 2.807.605 trường hợp. Sở Tư pháp đã có văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã đề nghị hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch trong năm 2023. Đối với kết quả nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền CSDL Quốc gia về dân cư, các đơn vị thực hiện thí điểm của Thành phố) đã rà soát được tổng số 246.117 dữ liệu; đã xác định dữ liệu đồng nhất giữa Sổ hộ tịch và CSDL Quốc gia về dân cư là 170.560 (chiếm 62%), không đồng nhất là 105.639 (chiếm 38%). Trong đó riêng quận Hoàng Mai, Hà Nội đã hoàn thành nhập 100% dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch vào CSDL Quốc gia về dân cư (phân hệ mở rộng).

Đối với CSDL y tế, đến nay, các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội (không tính số liệu của các bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn Thành phố) đã ký xác nhận được hơn 17 triệu mũi tiêm; thực hiện công tác "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và ký xác nhận "Hộ chiếu vắc xin":

Tính đến ngày 12/5/2023, có 26/26 (100%) cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã hoàn thành đăng ký tài khoản liên thông trên Cổng giám định BHYT; liên thông và ký số thành công 18.457 hồ sơ lên Cổng giám định BHYT.

Về CSDL an sinh xã hội, hiện 30/30 quận, huyện, thị xã hoàn thành việc bổ sung số căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, gửi Cục Bảo trợ xã hội, sẵn sàng đẩy lên hệ thống của Bộ LĐTB&XH để đối chiếu với CSDL Quốc gia về dân cư phục vụ chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu. Tính đến ngày 12/6/2023, đã có 201.446 đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội.

Thực hiện quy trình 4 bước chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em trên phần mềm quản lý thông tin trẻ em theo quy trình chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trẻ em do Cục Trẻ em quản lý. Hiện các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đang triển khai thực hiện theo quy trình hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH và sử dụng phần mềm do Cục Trẻ em xây dựng. Tính đến 12h ngày 6/6/2023, số trẻ em hiển thị trên phần mềm hệ thống là 1.614.592.

Về CSDL địa chỉ số về đất đai, nhà ở (thí điểm tại 02 quận Hoàng Mai và Hoàn Kiếm. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao dữ liệu làm điểm của 2 phường: Chương Dương (Hoàn Kiếm) và Trần Phú (Hoàng Mai) cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tiếp nhận) để thực hiện việc làm giàu, làm sạch dữ liệu theo Đề án 06. Thời gian tới, Sở sẽ đánh giá hiện trạng dữ liệu của 2 phường, thống nhất phương án triển khai trên địa bàn 2 phường làm điểm này, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn bộ các phường còn lại của 2 quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai.

Về CSDL nhà ở, Hà Nội bước đầu triển khai các hệ thống phần mềm và CSDL chuyên ngành như Quản lý số liệu về quỹ nhà phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố; Quản lý hệ thống cây xanh; Quản lý nhà ở và công sở.

Về CSDL cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã lập danh mục tổ chức cho 84/84 đơn vị, gồm 23 Sở, ban ngành, 30 quận huyện thị xã, 23 đơn vị sự nghiệp và 8 Hội đặc thù được giao biên chế thuộc UBND Thành phố.

Lập danh sách và 137.429 tài khoản (user) cho cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện việc cập nhập hồ sơ cá nhân vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị khai báo và đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức viên chức lên hệ thống CSDLQG.

Về CSDL doanh nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành việc triển khai Hệ thống CSDL chuyên ngành kế hoạch đầu tư và doanh nghiệp tích hợp các Hệ thống thông tin do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý; kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tiếp tục duy trì và vận hành các CSDL chuyên ngành đã được đầu tư: CSDL về đầu tư phục vụ quản lý dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố; CSDL doanh nghiệp và hộ cá thể trên địa bàn Thành phố; CSDL về xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội.

Về CSDL thuế, thực hiện Hà Nội đã triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Về CSDL Bảo hiểm xã hội, kết quả đã bổ sung thông tin và xác thực dữ liệu được 1.225.550 người. BHXH Thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động, người lao động thực hiện bổ sung số CCCD hoặc số định danh cá nhân, cập nhật vào CSDL đảm bảo đầy đủ, chính xác.

Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu Thành phố (Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 26/2/2021) và chuẩn bị ban hành danh mục dữ liệu mở Thành phố là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và chia sẻ với công dân tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời, Thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu Thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: 1- Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 2- Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; 3- Phục vụ công dân số; 4- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; 5- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo chinhphu.vn

(https://thanglong.chinhphu.vn/tiep-tuc-hoan-thien-he-sinh-thai-co-so-theo-de-an-06-103230705142015726.htm)

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ