Tiếp tục thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong năm 2024
Năm 2023, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực; cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia được triển khai toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn ở một số bộ, ngành còn thấp. Vì vậy, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; tiếp tục thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ CCHC…
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và dữ liệu từ Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách TTHC năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC có nơi còn chậm, chưa quyết liệt
Báo cáo cho thấy, công tác cải cách TTHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số chỉ tiêu quan trọng về dịch vụ công trực tuyến nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã đạt và vượt chỉ tiêu. Việc khai thác, tái sử dụng dữ liệu và đánh giá chất lượng dịch vụ công dựa trên dữ liệu đã từng bước đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cải cách TTHC được thành lập và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ được kiện toàn đã góp phần khắc phục điểm yếu trong khâu thực thi, tổ chức thực hiện cải cách TTHC, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào quá trình cải cách của Chính phủ. Công tác cải cách TTHC đã mang lại những lợi ích thiết thực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt cắt giảm chi phí cho xã hội.
Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC trong năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh (QĐKD) có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; nhiều bộ, ngành chưa quan tâm, thực hiện thống kê, báo cáo, cập nhật, công khai kết quả cắt giảm, đơn giản hóa sau khi các thực thi được ban hành; còn 06 bộ, cơ quan chưa thực hiện phân cấp TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg.
Hơn nữa, số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, doanh nghiệp cao nhưng nhiều dịch vụ công chất lượng thấp, chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm người dùng nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản hơn thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính.
Việc số hóa làm giàu làm sạch dữ liệu tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có lộ trình kế hoạch và phương thức thực hiện rõ ràng, đúng quy định. Thậm chí, một số cơ quan đơn vị chủ yếu số hóa mới chỉ dừng ở việc sao chụp, chuyển từ bản giấy sang bản điện tử nên không đảm bảo giá trị pháp lý, không thể tái sử dụng mà còn lãng phí nguồn lực, tốn kém tài nguyên lưu trữ.
Mặc dù, chất lượng giải quyết TTHC đã có sự cải thiện so với năm 2022 song tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn ở một số bộ ngành địa phương vẫn còn thấp, nhất là các bộ, ngành. Việc xem xét, xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại một số bộ, địa phương chưa kịp thời.
Phải lấy người, dân doanh nghiệp là trung tâm
Qua một năm triển khai công tác cải cách TTHC, từ những thuận lợi, khó khăn, Văn phòng Chính phủ đã rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là phải có sự quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của người đứng đầu tại các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện TTHC.
Đặc biệt, phải lấy người dân doanh nghiệp là trung tâm, lấy chất lượng phục vụ mức độ hài lòng là thước đo kết quả thực hiện của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Phát huy nhân tố con người, cải cách TTHC có vai trò dẫn dắt, công nghệ thúc đẩy, hỗ trợ trong cải cách TTHC.
Văn phòng Chính phủ đề nghị phải lấy người dân doanh nghiệp là trung tâm, lấy chất lượng phục vụ mức độ hài lòng là thước đo kết quả thực hiện của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Bên cạnh đó, phải xác định và tập trung chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng công nghệ, số hóa dữ liệu, dịch vụ công và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Bảo đảm các nguồn lực trong thực hiện đồng thời tăng cường phối hợp, đồng bộ, chặt chẽ xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, phát huy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy cải cách TTHC của Tổ công tác và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo triển khai công tác cải cách TTHC; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHCvới chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC trong năm 2024, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai công tác cải cách TTHC theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, bảo đảm thực hiện có kết quả, thực chất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Đặc biệt, công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, nhất là đối với TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, QĐKD đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 100/TCTCCTTHC của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ...
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Khẩn trương rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin khác nhau. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.
Đáng chú ý, Văn phòng Chính phủ đề nghị tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách TTHC nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử lý, thay thế các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và vi phạm pháp luật. Định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng DVCQG, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát./.
Theo thanhtravietnam.vn