TikTok bị hacker tấn công và rao bán mã nguồn cùng thông tin người dùng
Một nhóm tin tặc tuyên bố đang nắm giữ cơ sở dữ liệu gồm mã nguồn và thông tin cá nhân của hàng loạt người dùng TikTok. Sau khi một nhóm hacker đăng tin rao bán mã nguồn và thông tin người dùng của TikTok, mạng xã hội này đã lập tức lên tiếng.
Trên một diễn đàn dành cho hacker, một nhóm tin tặc tự xưng biệt danh "AgainstTheWest" đã tuyên bố đang nắm giữ cơ sở dữ liệu gồm mã nguồn và thông tin cá nhân của hàng loạt người dùng TikTok.
Nhóm hacker này cho biết đã tấn công vào máy chủ của TikTok, lấy cắp cơ sở dữ liệu có dung lượng 790 GB, bao gồm mã nguồn, hơn 2 tỷ bản ghi dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng, các thống kê về nền tảng như lượng người dùng thường xuyên, thời gian dùng ứng dụng…
Hacker đăng tin rao bán mã nguồn và thông tin người dùng của TikTok và WeChat
Các dữ liệu này bao gồm thông tin cả người dùng Douyin - phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Nhóm hacker này còn đăng tải một dữ liệu mẫu lên diễn đàn để minh họa cho cơ sở dữ liệu mà mình đang nắm giữ. Các hacker rao bán dữ liệu yêu cầu người mua trả bằng tiền mã hóa. Điều này sẽ khiến cho việc truy vết và tìm ra tung tích của nhóm hacker gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, phía TikTok đã lập tức lên tiếng trấn an người dùng và khẳng định, mạng xã hội này không hề bị hack.
Đại diện TikTok cho biết thông tin do các hacker công bố là không chính xác: "Đây là một cáo buộc sai trái. Đội ngũ bảo mật của chúng tôi đã điều tra và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy TikTok đã bị xâm nhập. Chúng tôi đã xác minh rằng, những dữ liệu mà tin tặc đề cập đến đều là những dữ liệu công khai và không có bất kỳ sự xâm nhập nào vào hệ thống, mạng nội bộ cũng như cơ sở dữ liệu của TikTok".
TikTok khẳng định, người dùng không cần phải thực hiện bất kỳ hành động nào. Công ty cam kết về sự an toàn, bảo mật của cộng đồng người sử dụng.
Trong khi đó, chuyên gia bảo mật người Mỹ Troy Hunt cho rằng, phần lớn dữ liệu mà hacker đang rao bán là những dữ liệu đã được công khai trên TikTok. Tuy nhiên, vẫn có một số dữ liệu bí mật không rõ lấy từ đâu, do đó, chuyên gia này chưa thể khẳng định được liệu hacker có thực sự xâm nhập được vào hệ thống của TikTok hay không.
Ngoài TikTok, nhóm tin tặc "AgainstTheWest" còn tuyên bố lấy cắp được dữ liệu từ ứng dụng nhắn tin WeChat. Đây cũng là một trong những ứng dụng có lượng người dùng lớn nhất tại Trung Quốc. Hiện tại, WeChat chưa đưa ra bình luận gì về việc này.