Tin nhắn rác: Lẽ nào bất lực?
02:12, 23/11/2012
Tin nhắn rác là vấn nạn của xã hội, gây bức xúc cho các thuê bao di động. Điều khiến người dùng cảm thấy khó hiểu là tại sao tình trạng tin nhắn rác ngày càng bùng phát mạnh. Lẽ nào lại bất lực trước tin nhắn rác?
Nhà mạng đẩy “bóng” trách nhiệm
“Em cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi điện thoại của em được “trút” cả chục tin nhắn rác bất kể ngày đêm. Anh chị có cách nào chặn được tin nhắn rác thì chỉ cho em”. Đây là một trong hàng nghìn thông điệp có nội dung tương tự được gửi lên các diễn đàn mỗi ngày.
Chỉ trong vòng một buổi sáng, anh Minh Quang – Nhân viên văn phòng ở Hà Nội nhận được hơn 10 tin nhắn quảng cáo mua sắm thời trang, điện máy, dịch vụ giúp việc, bán sim số đẹp, cò nhà đất, tin nhắn thông báo trúng thưởng tiền mặt của nhà mạng…
Đem nỗi bức xúc này đến Phòng Chăm sóc khách hàng của mạng MobiFone, anh Quang được một chị nhân viên giao dịch tên Mai cho biết, công ty đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ khách hàng của mình, tuy nhiên, không thể có giải pháp triệt để vì phần nhiều tin nhắn rác xuất phát từ một thuê bao của nhà mạng khác gửi cho khách hàng của MobiFone. Nếu là số thuê bao của mạng khác thì hiện tại chỉ có cách sử dụng dịch vụ chặn cuộc gọi. Nhà mạng đã gửi công văn đến từng đơn vị thuê bao để yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng, khuyến cáo cảnh báo các công ty không được phát tán tin rác và xử lý nhiều trường hợp vi phạm như ngừng cung cấp dịch vụ, giảm trừ doanh thu, thu hồi đầu số…
Đặc điểm chung của các hành vi làm phiền, quấy rối, lừa đảo ở trên đều được thực hiện bằng sim khuyến mại hay còn gọi là sim rác. Hiện nay, hệ thống quản lý thuê bao trả trước của các nhà mạng chỉ có thể kiểm tra thông tin hợp lệ (tên tuổi, năm sinh, địa chỉ, số chứng minh thư), một người đứng tên tối thiểu 3 thuê bao. Tuy nhiên, các nhà mạng không thể kiểm soát thuê bao đăng ký không đúng thông tin cá nhân, vì họ không có cơ sở dữ liệu về chứng minh thư để đối chiếu. Trong khi đó, Bộ Công an cũng chưa thể triển khai kết nối hệ thống dữ liệu chứng minh thư nhân dân với các nhà mạng nên rất khó xác định được thông tin chính xác từ thuê bao.
Nước đổ lá khoai?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2012 sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008 về chống thư rác với nhiều điểm mới như: siết chặt thư điện tử, tin nhắn quảng cáo. Điểm khác biệt lớn ở nội dung sửa đổi lần này là quy định nhà cung cấp dịch vụ “không được phép thu cước dịch vụ đối với tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, tin nhắn lừa đảo…. Những khách hàng bị lừa đảo qua tin nhắn SMS có thể được hoàn trả cước phí, hay nói cách khác, kẻ lừa đảo sẽ không thu được cước phí của người dùng. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.”.
Cũng theo Nghị định, người quảng cáo hay nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý của người nhận và phải chấm dứt ngay việc gửi khi nhận được từ chối từ người nhận thế nhưng thực tế không dễ thực hiện. Trước hết, điểm quy định này không rõ ràng, vô hình chung lại tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo lách luật. Hiểu đơn giản là khi người dùng nhắn tin từ chối ngay nhưng vấn đề là kẻ gửi tin rác có nhận được ngay hay không. Cũng có thể cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo đó “cố ý” không nhận được...
Trong Nghị định cũng khá “đơn giản” khi nghiêm cấm “cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn mà không sử dụng số gửi tin nhắn quảng cáo do doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động cấp”. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Theo khảo sát nhiều người là nạn nhân của tin nhắn rác thì các số gửi đến chủ yếu dùng sim điện thoại trả trước đã kích hoạt (thường gọi là sim rác). Như vậy, một trong những nguyên nhân đã rõ là việc quản lý thuê bao di động trả trước quá yếu, dẫn đến tình trạng sim rác tràn lan. Cơ quan chức năng có dựa vào nghị định này mà xử lý thì cũng chỉ “đánh” được cái sim rác là cùng.
Khách hàng tự trang bị để bảo vệ mình
Các nhà mạng đều có những biện pháp hỗ trợ khách hàng. VinaPhone cũng đã cung cấp tiện ích SMS Blocking cho phép các thuê bao của mạng có thể chặn hay chỉ nhận tin nhắn của một hay nhiều thuê bao điện thoại nằm trong danh sách đã đăng ký.
Ngoài các tiện ích do nhà mạng hỗ trợ, các thuê bao cũng có thể tự trang bị cho mình các phương thức đối phó với tin nhắn rác. Để cho các tin nhắn rác luôn chạy vào mục xóa thì trên các điện thoại có hỗ trợ chức năng Screen List, Screened Messages. Những số điện thoại nào mà được chọn vào trong danh sách này thì điện thoại sẽ tự động cho tin rác vào mục xóa. Đối với các smartphone, người sử dụng có thể cài chương trình Message Blocker hoặc CallsBlocker khá hiệu quả.
Theo ý kiến của phần đông khách hàng, tất cả chỉ có thể trông chờ vào nhà mạng. Các nhà mạng cần phải đưa vào chính sách chặn sim khi khách hàng gọi vào khiếu nại. Khách hàng bị nhắn tin rác, chỉ cần gọi vào hotline của tổng đài cung cấp các thông tin liên quan, tổng đài sẽ chặn ngay chiều đi của sim đó và vô hiệu hóa tin nhắn đó.
(Trích nguồn Tạp chí Xã hội Thông tin số 116)