Tính năng AI tạo hình ảnh theo phong cách Studio Ghibli gây tranh cãi về bản quyền
Tính năng biến hình ảnh thành các tác phẩm mang phong cách đặc trưng của phim hoạt hình Studio Ghibli của ChatGPT-4o đang khiến OpenAI phải đối mặt với làn sóng phản đối liên quan tới bản quyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Mới đây ChatGPT-4o của OpenAI đã cho phép người dùng biến những bức ảnh thông thường thành những hình ảnh đặc trưng của phim hoạt hình Studio Ghibli và gợi nhớ đến các tác phẩm của nhà làm phim hoạt hình huyền thoại Hayao Miyazaki.
Tính năng này đã tạo nên xu hướng mới gây bão trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những câu hỏi lớn về vấn đề bản quyền trong việc sử dụng dữ liệu huấn luyện AI. Đồng thời, việc công cụ AI làm quá tốt cũng dấy lên nỗi sợ về sự mất giá trị nghệ thuật trong giới sáng tạo.
Tính năng ChatGPT mới cho phép người dùng chỉ cần yêu cầu hình ảnh theo phong cách phong cách Ghibli mang tính biểu tượng của hãng phim hoạt hình Nhật Bản do Miyazaki đứng đầu để nhận được những bức ảnh xinh đẹp. Việc sử dụng quá dễ dàng đã dẫn đến việc áp dụng rộng rãi, biến công cụ AI thành một hình thức giải trí và sáng tạo nội dung. Ngoài Studio Ghibli, các phong cách mang tính biểu tượng như Pixar, Disney và "The Simpsons" trước đó cũng đã từng rơi vào tình trạng tương tự.
ChatGPT-4o dễ dàng biến các hình ảnh chụp thành các bức ảnh mang phong cách hoạt hình đặc trưng của phim hoạt hình Studio Ghibli
Cơn sốt phong cách Ghibli này đã đặt ra những vấn đề pháp lý phức tạp về AI và luật bản quyền, vì vẫn chưa rõ liệu việc bắt chước một phong cách nghệ thuật đặc trưng có cấu thành hành vi vi phạm bản quyền hay không.
Hiện tại, OpenAI chưa tiết lộ liệu họ có đạt được thỏa thuận cấp phép với Studio Ghibli hay xác nhận rõ ràng liệu tác phẩm nghệ thuật của Ghibli có được sử dụng trong dữ liệu huấn luyện của AI hay không. Sự thiếu minh bạch này cũng đã trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi.
Về cơ bản, Luật Bản quyền hiện nay sẽ bảo vệ cho sự thể hiện suy nghĩ hoặc cảm xúc của con người trong một tác phẩm sáng tạo. Theo Kim Min-ji, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Hội tụ Truyền thông và Nội dung tại Đại học Kyonggi: "Theo truyền thống, phong cách hoặc cách thức cụ thể của một nghệ sĩ, chẳng hạn như của Ghibli hoặc cách van Gogh vẽ, không được bảo vệ rõ ràng bởi luật bản quyền. Nó được coi là một ý tưởng hoặc kỹ thuật hơn".
Vì sự khác biệt này, việc chỉ bắt chước phong cách Ghibli có thể không cấu thành yếu tố cáo buộc đây là hành vi vi phạm theo luật hiện hành. Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng cho biết thêm rằng sẽ có những vấn đề pháp lý tiềm ẩn nếu OpenAI sử dụng các tác phẩm có bản quyền của Studio Ghibli để huấn luyện mô hình AI của họ mà không được phép.
“Chúng ta có thể suy ra rằng OpenAI có khả năng đã huấn luyện AI của họ trên các tác phẩm theo phong cách Ghibli để đạt được những kết quả này. Một vấn đề pháp lý tiềm ẩn có thể phát sinh nếu các tác phẩm có bản quyền của Studio Ghibli được sử dụng cho quá trình huấn luyện này mà không được phép hoặc thỏa thuận. Nếu Ghibli quyết định kiện, việc sử dụng trái phép dữ liệu này để huấn luyện sẽ là điểm tranh cãi chính,” giáo sư Kim nói. “Cuộc tranh luận tập trung vào việc liệu việc huấn luyện AI để kiếm lợi nhuận thương mại mà không có sự đồng ý cá nhân có cấu thành hành vi sử dụng hợp lý hay không".
Bước nhảy vọt công nghệ này cũng đang gây lên những xáo động lớn trong lĩnh vực sáng tạo vì hiện tại vẫn chưa rõ sự phát triển công nghệ nhanh chóng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp sáng tạo nội dung.