TMĐT Việt quý 1/2021: Shopee “ăn nên làm ra”, Lazada, Tiki đi xuống hoặc đi ngang

21:33, 02/06/2021

Lưu lượng truy cập thương mại điện tử tại Việt Nam nhìn chung đã giảm 9% trong quý I/2021 so với quý trước đó. Shopee vẫn là "ông vua" thương mại điện tử xét về lượng truy cập web mỗi tháng ở thị trường Việt Nam.

iPrice Group vừa công bố bảng xếp hạng lưu lượng truy cập hàng tháng của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2021.

Theo đó, lưu lượng truy cập thương mại điện tử tại Việt Nam nhìn chung đã giảm 9% trong quý I/2021 so với quý trước đó. Trong khi đó, số lượt ghé thăm các sàn thương mại điện tử giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, đây là xu hướng dễ hiểu bởi hầu các sàn thương mại điện tử lớn nhỏ đều có các chương trình khuyến mại và kích cầu tiêu dùng trong mùa mua sắm cuối năm.

Lưu lượng truy cập thương mại điện tử tại Việt Nam nhìn chung đã giảm 9% trong quý I/2021.

4 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng những sàn thương mại điện tử có nhiều lượt truy cập nhất Việt Nam không có bất kỳ sự xáo trộn nào kể từ thời điểm quý I/2020. Theo đó, Shopee vẫn là "ông vua" thương mại điện tử xét về lượng truy cập web mỗi tháng ở thị trường Việt Nam.

So với quý I/2020 thì chỉ có Shopee tăng trưởng (43,5%), trong khi đó cả TGDĐ, Tiki và Lazada đều đi xuống hoặc đi ngang.

Trong ba tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng, sàn thương mại điện tử của Sea có 63,7 triệu lượt truy cập, bỏ xa đối thủ đứng thứ hai là Thế Giới Di Động với 29,3 triệu lượt truy cập. Hai cái tên còn lại trong top 4 là Tiki và Lazada có lưu lượng truy cập web mỗi tháng lần lượt là 19 triệu lượt và 17,9 triệu lượt. 

Cả bốn sàn thương mại điện tử dần đầu đều có lượng truy cập giảm so với quý IV/2020. Trong khi đó, Sendo hụt hơi với chỉ 8,14 triệu lượt truy cập mỗi tháng, không có mặt trong top 5.

Theo báo cáo năm ngoái, lưu lượng truy cập các website ngành hàng tươi sống tăng 45% trong quý I/2020 so với quý I/2019. Xu hướng mua sắm đồ tươi sống qua Internet tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhiều người không thể ra ngoài vì lệnh giãn cách xã hội.

Dù vậy, cả khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam giảm nhiệt, xu hướng này mua đồ tươi sống vẫn tăng. Theo số liệu của quý I/2021, website đồ tươi sống vẫn tăng trưởng với tỷ lệ 13%.

Trái ngược với ngành hàng thiết yếu, hầu hết các mặt hàng không thiết yếu đều tăng trưởng âm. Ngành hàng thời gian có lưu lượng truy cập web giảm 2% trong quý I/2021. Trước đó, ngành hàng này đã có sức bật khá tốt vào thời điểm cuối năm 2020 khi tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng thời điểm, ngành hàng đồ làm đẹp/chăm sóc da, đồ điện tử và thiết bị thông minh đều lần lượt giảm 3%, 6% và 9% lưu lượng truy cập.

Mai Ngọc (t/h)