Doanh thu TMĐT của các nước châu Á - Thái Bình Dương đạt khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2025

12:15, 26/05/2021

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025 (sau Mỹ Latinh). Với kỹ thuật số hóa, kết nối và nhân khẩu học đại diện cho các quốc gia lớn về công nghệ giúp khu vực này trở thành trung tâm đổi mới sau đại dịch.

Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International ngày 25/5 cho biết, doanh thu thương mại điện tử của châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng gần gấp đôi vào năm 2025, đạt 2.000 tỷ USD.

Trong báo cáo chính thức “100 nhà bán lẻ hàng đầu ở châu Á 2021”, Euromonitor International (công ty chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu) cũng nhận định, cách kết nối di động đẳng cấp thế giới của khu vực châu Á –Thái Bình Dương cho phép chuyển đổi kỹ thuật số và được hỗ trợ bởi các phân khúc người tiêu dùng cực kỳ hiểu biết về công nghệ trong khu vực.

 Doanh thu thương mại điện tử của châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng gần gấp đôi vào năm 2025.

Điều này đã được chứng minh trên thực tế khi vào năm 2020 các doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng trực tuyến đã ghi nhận mức tăng trưởng 37,6% và có thể sẽ đạt 44% vào năm 2025. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh phương thức bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn để duy trì sự phù hợp trong không gian kỹ thuật số, bản địa hóa phương thức mua sắm đến các thị trường riêng lẻ và cá nhân hóa trải nghiệm bán lẻ cho các phân khúc khách hàng khác nhau ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ là điều cần thiết.

Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Euromonitor International, Deepika Chandrasekar cũng cho biết: “Khi người tiêu dùng kết nối và mua sắm trực tuyến nhiều hơn bao giờ hết, ngày càng nhiều thương hiệu dự kiến sẽ sử dụng mạng xã hội để tương tác và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng ngoài việc đóng vai trò là nhà bán lẻ”.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Với doanh thu thương mại điện tử B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Còn theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%.

Hiện Việt Nam đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đưa qua kênh thương mại điện tử này với doanh thu năm 2020 vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Việt Nam cũng trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á. 

Minh Phương (t/h)