Tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

09:14, 08/03/2024

Theo Bộ KH&CN, cần có hành lang pháp lý, chính sách khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh, trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế-xã hội.

Nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN đầu mối thực hiện. Bộ KH&CN cũng đã có công văn hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh, việc hình thành trung tâm phải căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình rất phong phú. Điển hình như gần 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động, nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

 Ảnh minh hoạ.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, được giao trách nhiệm chủ trì triển khai KH&CN, đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN nhận thấy cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, tại Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm, cơ chế, chính sách tài chính cho việc vận hành, phát triển các trung tâm, cơ chế tài chính cho việc cung cấp các dịch vụ công, các chương trình, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, phát triển thị trường, tiếp cận thị trường nước ngoài,... là những hoạt động cần phải được tiếp tục đẩy mạnh.

Điều này cũng cần nhiều cơ chế, chính sách đột phá, đặc biệt trong việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các cơ chế nhằm phát triển thị trường, thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế một cách thuận lợi hơn.

Ông Hoàng Minh cho biết, Bộ KH&CN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một Đề án phát triển hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2035, trình Chính phủ ngay trong tháng 1/2024. Bộ KH&CN kỳ vọng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định những cơ chế, chính sách, tiêu chí, chức năng, nhiệm vụ cũng như ưu đãi, khuyến khích dành cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

"Với hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch, với nguồn lực hỗ trợ từ chương trình, đề án quốc gia, chúng tôi mong muốn mang lại sức mạnh tổng thể hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc để phát triển hệ sinh thái ngày càng lớn mạnh hơn", ông Hoàng Minh nói.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) cho rằng, mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất đa dạng, hiện đang nhiều bên làm, với nhiều cách thức khác nhau, từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế.

Việc phối hợp, liên kết các nguồn lực với nhau là vấn đề cần đặt ra, đặc biệt là hợp tác công-tư, hợp tác 3 bên: Nhà trường-nhà quản lý-nhà doanh nghiệp, hợp tác trong nước và nước ngoài.

Theo ông Phạm Hồng Quất, để phát triển các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thì cần thiết nhất là nguồn lực mềm, bên cạnh cơ sở hạ tầng. Trong các nguồn lực mềm, thì nguồn lực con người là hết sức quan trọng: Con người để vận hành, quản lý các chương trình trong trung tâm, chuyên gia từ doanh nghiệp để tư vấn, cố vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, và các hạt giống nhà sáng lập từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu. Do đó, phải có những chương trình để khai thác, gắn kết các nguồn lực này.

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/toi-uu-hoa-nguon-luc-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-d219336.html)