Tổng đài 08-39 111 333: "Cứu tinh" của sự cố hạ tầng

09:31, 11/04/2013

Sau 1 tuần thử nghiệm, tổng đài 08 39 111 333 đã tiếp nhận 658 cuộc gọi của người dân, trong đó có 289 cuộc gọi báo sự cố về giao thông, cấp thoát nước, cây xanh…

Sáng 10-4, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM chính thức ra mắt tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật (gọi tắt là tổng đài, số điện thoại 08 39 111 333) sau 1 tuần hoạt động thử nghiệm.
 
Đây là lần đầu tiên TPHCM có một trung tâm chung tiếp nhận thông tin sự cố của các lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, viễn thông.

Ngày càng… “nóng”

Gặp chúng tôi, bà Ngô Thị Mỹ Công (ngụ đường Bùi Thị Xuân, quận 1), người gọi đến tổng đài để báo sự cố bể đường ống nước sạch trên đường Bùi Thị Xuân vào chiều 8-4, kể:
 
“Giữa đường bị lủng 1 lỗ bằng bàn tay, nước cứ xì ra chảy đọng thành vũng suốt cả tuần nhưng không ai sửa chữa. Thấy xót ruột vì nước sạch chảy tràn lan nên tôi đã gọi đến tổng đài để báo. Gọi buổi chiều hôm trước, đến sáng hôm sau đã thấy sửa xong rồi, nhanh thật!” - bà Công nói.
 
Khi thấy hố sụp, ổ gà, người dân có thể báo cho tổng đài 08 39 111 333 để các đơn vị liên quan

đến xử lý. Trong ảnh: Lực lượng chức năng đang xử lý một “hố tử thần” xuất hiện
 trên đường Nguyễn Thông, quận 3 - TPHCM

 
Ông Bùi Hữu Phước, Phó Phòng Chăm sóc khách hàng, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (nơi quản lý tổng đài), cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, nhân viên của tổng đài sẽ nhập thông tin và chuyển đến các đơn vị liên quan bằng phần mềm liên thông. Ngay lập tức, đơn vị liên quan sẽ nhận được nội dung sự việc và cử người đến xem xét, xử lý.
 
Theo ông Phước, nếu trong vòng 15 - 30 phút, đơn vị liên quan chưa xem nội dung cuộc gọi, nhân viên tổng đài sẽ trực tiếp điện thoại đến nhắc nhở.
 
Sau 1 tuần hoạt động thử nghiệm, tổng đài 08 39 111 333 đã tiếp nhận 658 cuộc gọi của người dân, trong đó có 289 cuộc gọi báo sự cố, 369 cuộc gọi còn lại là “thử” tổng đài, tìm hiểu tổng đài tiếp nhận thông tin gì…
 
Thống kê cho thấy người dân gọi báo về sự cố chiếu sáng nhiều nhất (81 cuộc gọi), tiếp theo là giao thông (58 cuộc), thoát nước (57 cuộc), cấp nước (41 cuộc), cây xanh (26 cuộc)...

Giám sát trách nhiệm từng đơn vị

Ông Bùi Hữu Phước cho biết số lượng cuộc gọi đang tăng dần từng ngày. Trong ngày đầu tiên hoạt động (2-4), chỉ có khoảng 40 cuộc gọi, đến ngày 9-4 đã có gần 100 cuộc gọi/ngày.
 
Phòng tiếp nhận thông tin sẽ giúp các sự cố trên điạ bàn TP.HCM được xử lý nhanh, kịp thời. (Nguồn ảnh: Phunuonline)

“Chúng tôi trực 24/24 giờ và liên tục 7 ngày trong tuần nên khi người dân phát hiện sự cố về hạ tầng thì cứ việc gọi đến tổng đài, lúc nào cũng có người tiếp nhận thông tin” - ông Phước khẳng định.
 
Tuy nhiên, tổng đài này chỉ tiếp nhận thông tin và chuyển cho các đơn vị liên quan. Còn việc xử lý sự cố hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị tiếp nhận. Theo thống kê, số lượng sự cố được xử lý nhanh chiếm hơn 90%, tồn đọng nhiều nhất là lĩnh vực chiếu sáng.
 
Ngoài việc giúp người dân dễ nhớ, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, việc lập ra một đầu số thống nhất còn giúp tập trung thông tin sự cố về một đầu mối, tạo điều kiện cho các ngành phối hợp tốt với nhau. Điều bất cập là vẫn chưa giám sát được quá trình xử lý.
 
“Giải quyết ngay khi nhận được thông tin từ người dân rất khác với việc để vài ngày sau mới xử lý. Vì vậy, trong thời gian tới, TP sẽ lập ra quy trình giám sát xử lý sự cố và công khai việc xử lý trên website của tổng đài. Có như vậy mới thấy rõ trách nhiệm của từng đơn vị” - ông Hà nhấn mạnh.
 
Song song với việc này, Sở TT-TT cũng đang xúc tiến xin Bộ TT-TT một đầu số ngắn (từ 3 - 4 số) để người dân dễ nhớ hơn. Ông Phước cho biết một số đơn vị liên quan chỉ làm việc giờ hành chính nên những thông tin người dân báo ngoài giờ chưa được xử lý nhanh chóng. Vì vậy, khi xây dựng quy chế hoạt động, Sở TT-TT nên bắt buộc một số đơn vị trực ngoài giờ để xử lý sự cố nhanh hơn.

Theo nld.com.vn