TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023
Chiều 04/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và nửa đầu năm 2023.
Buổi họp báo Chính phủ diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều 04/7 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại họp báo, thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Phiên họp nhằm đánh giá, thảo luận về tình hình KTXH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, triển khai kết quả Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và siết chặt kỷ luật, kỷ cương và một số nội dung quan trọng khác.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh đất nước ta vừa đi qua 1/2 chặng đường của năm 2023 - một chặng đường mà đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi mà theo Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát là nổi lên 6 cơn gió ngược: Một là tăng trưởng thế giới suy giảm, lạm phát đang ở mức cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; Hai là hậu quả Covid-19 còn kéo dài; Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu liên kết chặt chẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; Bốn là các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; Năm là các nước đang phát triển có khả năng thích ứng, sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài; Sáu là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường, gây hậu quả nặng nề. Tình hình trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi do nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, nhất là những vấn đề nổi lên phát sinh đột xuất. Nền kinh tế của nước ta chịu tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát và tập trung chỉ đạo các bộ, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt Nghị quyết Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và đúng phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học; ban hành 66 văn bản quy phạm, 106 Nghị quyết, trên 829 Quyết định cá biệt, 41 Công điện, 22 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là: (1) Chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. (2) Tập trung rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 25 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương; đã xử lý 300/1.000 kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại. (3) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. (4) Chỉ đạo NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng; cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu DN. (5) Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (với tổng quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng). (6) Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu DN, BĐS. (7) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ DN phục hồi nhanh, phát triển bền vững. (8) Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. (9) Tiếp tục tổ chức các Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KTXH trên cả nước. (10) Thúc đẩy mạnh mẽ công tác quy hoạch, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, du lịch, ngoại giao kinh tế, cải cách thủ tục hành chính...
Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành dự họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được Nhân dân, DN, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đã có hiệu quả rõ nét với nhiều số liệu tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước. Trong đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước. Cụ thể:
(1) Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần. Tăng trưởng phục hồi: GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý I (3,32%), tính chung 6 tháng tăng 3,72%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). XNK có xu hướng tăng trở lại: Tháng 6: XK tăng 4,5%, nhập khẩu tăng 2,6% so với tháng 5, xuất siêu 2,59 tỷ USD; Quý II: XK tăng 2,9%, NK tăng 2,6% so với quý I; Tính chung 6 tháng xuất siêu 12,25 tỷ USD. Thu chi NSNN bảo đảm tiến độ, thu đủ chi: Thu NSNN 6 tháng 876 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán năm.
(2) Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt
- Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế; 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD.
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại: Quý II tăng 1,56% (quý I giảm 0,75%); tính chung 6 tháng tăng 0,44% so với cùng kỳ.
- Khu vực dịch vụ giữ mức tăng cao: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ. Thu hút khách quốc tế tháng 6 tháng đạt 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ.
(3) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, quý II cao hơn quý I.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II tăng 5,5% (quý I tăng 3,7%); tính chung 6 tháng tăng 4,7%.
- Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
- Vốn FDI thực hiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
(4) Trong 6 tháng, có 37.700 DN quay trở lại hoạt động, dẫn đến tổng số có 113.600 DN gia nhập thị trường, cao hơn so với 100.000 DN rút lui khỏi thị trường.
(5) Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện
(6) Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
(7) Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên.
(8) Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tới báo chí tại Họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, những thành tựu, kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế...
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý, trong đó nổi lên là: Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra (3,72%), trong đó 4 địa phương tăng trưởng âm; Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU và nhiều nước khác tiếp tục thắt chặt và khó dự báo; Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa;...
Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thời gian tới, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc tình hình; đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời, sát thực tiễn, hiệu quả, đồng thời chuẩn bị kĩ các phương án, giải pháp ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
Trong bối cảnh như vậy, phải nhất quán thực hiện mục tiêu là: Kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Uu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống Nhân dân. Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất và tỉ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chắt tình hình bên trong và bên ngoài.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học, bám sát diễn biến tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chính sách tiền tệ, tài khóa trong thời gian tới được điều chỉnh theo hướng: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn điều hành buổi họp báo Chính phủ tháng 6/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung quyết liệt, hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp sau:
(1) Nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả (trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
(2) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm.
(3) Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường cao tốc.
(4) Tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ DN, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.
(5) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
(6) Chú trọng bảo đảm ASXH, việc làm và đời sống Nhân dân (lưu ý vấn đề tăng lương và kiểm soát giá).
(7) Thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
(8) Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
(9) Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh:
- Đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả giải ngân 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng hệ thống truyền tải điện; trong đó có chuỗi dự án điện khí Ô Môn, đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc.
- Bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của Nhân dân.
- Xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương; chủ động phương án hỗ trợ người lao động.
- Tổ chức tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng; đấu thầu in sách giáo khoa theo cơ chế thị trường; xử lý dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập.
- Tập trung giải quyết các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
- Làm tốt công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội; cương quyết đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, xấu, độc, vu khống...
(10) Chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền.
- Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG trên địa bàn. Chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.
- Kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.
- Chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu DN trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đời sống người lao động phù hợp.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.
Theo baochinhphu.vn
(https://baochinhphu.vn/cap-nhat-hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-thang-6-20223-102230704175810038.htm)