TP.HCM sẽ lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của từng người dân
UBND TP.HCM vừa tổ chức buổi họp Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của thành phố vào ngày 18/2. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ về chuyển đổi số để thúc đẩy cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước.
Trong tham luận, bà Võ Thị Trung Trinh đề xuất thành phố ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành và lĩnh vực gồm có y tế, giáo dục, đất đai. Cụ thể, ngành y tế sẽ tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân. Đồng thời, tập trung triển khai nền tảng liên thông dữ liệu của ngành y tế thành phố và phát triển kho dữ liệu của ngành.
Trước đó, ngày 11/9/2021, Sở TT&TT TP.HCM từng đề xuất thống nhất ứng dụng CNTT trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ứng dụng “Y tế HCM” được Sở chọn để nghiên cứu và đề xuất trở thành nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ việc này. Theo tìm hiểu, đây là ứng dụng phổ biến nhất tại TP.HCM lưu trữ thông tin về sức khoẻ của người dân.
Ngoài đề xuất kể trên, với ngành Giáo dục đào tạo, bà Võ Thị Trung Trinh đề nghị triển khai nền tảng liên thông dữ liệu của ngành Giáo dục đào tạo thành phố, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành này.
Trong lĩnh vực đất đai, sẽ chia sẻ dữ liệu và liên thông giải quyết hồ sơ nhà đất trên địa bàn TP.HCM.
Trong năm 2022, TP.HCM xác định chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” . Lãnh đạo thành phố chỉ rõ, chuyển đổi số đang có một sứ mệnh mới, sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số góp phần phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc tập trung chuyển đổi số các lĩnh vực trọng tâm như trên, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đề xuất một số nhiệm vụ nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số. Việc này chỉ có được qua quá trình đào tạo và tự học. Do đó, Sở tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo, tập huấn giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức; trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Phát triển Kho dữ liệu dùng chung thành phố. Tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu về người dân, tập trung vào hộ tịch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp và quản lý đất đai. Thành phố sẽ phát triển dữ liệu mở (open data) để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, tập trung vào nhóm dữ liệu mở về: y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, quy hoạch
Tiếp đến là phát triển nền tảng số, hạ tầng số. Thành phố tiếp tục mở rộng, hoàn thiện Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan tại TP.HCM và kết nối liên thông thành công với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước. Cụ thể là tập trung triển khai các ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Cùng với đó, hoàn thiện, kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội bộ để bảo đảm thông suốt trong việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng.
Cuối cùng là phát triển ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân và ngược lại.
PV