Trang Web giúp tra cứu dữ liệu "Hồ sơ Panama"
Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ (có trụ sở tại Mỹ) đã công bố trang offshoreleaks.icij.org vào khoảng 1 giờ đêm 9/5/2016 theo giờ Việt Nam.
Trang web có giao thức và hoạt động giống trang tìm kiếm của Google, giúp công chúng tìm kiếm tên công ty và cá nhân có liên quan đến vụ hồ sơ Panama. Người dùng có thể tìm kiếm hồ sơ liên quan giữa 368.000 cá nhân và 300.000 công ty. Những dữ liệu trong kho này gồm hồ sơ bị rò rỉ năm 2013 và cả vụ vừa mới xảy ra hồi đầu tháng 4/2016.
ICIJ cho biết, đây là một phần trong số 11 triệu hồ sơ họ đang nắm giữ. Những thông tin về tài khoản ngân hàng, các giao dịch email, tài chính, số điện thoại, passport của các cá nhân được giữ kín. Việc đưa tin có chọn lọc được ICIJ trả lời là để bảo vệ quyền lợi của công chúng.
Việc công bố một cách có giới hạn các thông tin cho thấy, ICIJ đang thận trọng với những dữ liệu mà họ nhận được.
Tổng thống Panama, ông Juan Carlos Varela đã khẳng định, sẵn sàng trao đổi thông tin và hợp tác pháp lý với các nước có yêu cầu, đồng thời phản đối các chỉ trích nhằm vào quốc gia này.
Các giao dịch tài chính mờ ám hiện đang là vấn nạn mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Nghiên cứu mới nhất của Mạng lưới Công bằng Thuế khóa cho biết, dòng vốn tuồn ra khỏi các nền kinh tế mới nổi đang tăng mạnh. Ước tính đến cuối năm 2014, có tới hơn 12.000 tỷ USD, đã chảy khỏi nền kinh tế này sang các tài khoản bí mật ở nước ngoài.
Theo nghiên cứu này, trốn thuế không phải là động cơ duy nhất để các tổ chức hay cá nhân gửi tiền tại các thiên đường thuế, mà tội phạm hay các quan chức tham nhũng cũng thường sử dụng các địa điểm này để rửa tiền hoặc cất giấu của cải. Trong đó, Nga, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Indonesia nằm trong danh sách các quốc gia có lượng vốn tuồn ra nước ngoài nhiều nhất.
Thanh Sơn