Triển khai đào tạo chuyển đổi IPv6 cho các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL
Trong 2 ngày 13-14/10, Trung tâm CNTT (Bộ VHTTDL) đã tổ chức chương trình đào tạo về chuyển đổi IPv6 cho các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tại Hà Nội.
Theo đó, các học viên là cán bộ CNTT đang công tác tại Bộ VHTTDL đã được học về các nội dung như hiện trạng chuyển đổi IPv6 thế giới và Việt Nam; Giới thiệu về công nghệ chuyển đổi IPv6; Hướng dẫn triển khai IPv6 cho mạng LAN, Wifi; Hướng dẫn triển khai IPv6 ở các dịch vụ cơ bản… dưới sự hướng dẫn của nhiều giảng viên là cán bộ của Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC (Bộ Thông tin và Truyền thông).
IP là từ viết tắt của Internet Protocol - là địa chỉ số mà mọi thiết bị kết nối mạng đều có để chia sẻ dữ liệu với những thiết bị khác thông qua giao thức kết nối Internet.
Ông Dương Anh Quân, Phụ trách Phòng Quản lý Hạ tầng và Dữ liệu số, Trung tâm CNTT, Bộ VHTTDL khai giảng lớp học.
Thông tin cho hay, địa chỉ IPv4 sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào cuối năm 2021 và sẽ không được sử dụng nữa trong giai đoạn tới. Từ thực tế này, Chính phủ đã yêu cầu chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 và đưa nội dung này vào chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 làm nền móng xây dựng hạ tầng số, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số.
Theo ông Dương Anh Quân, Phụ trách Phòng Quản lý Hạ tầng và Dữ liệu số, Trung tâm CNTT, Bộ VHTTDL, với chức năng là cơ quan chuyên trách về CNTT của Bộ VHTTDL, nhận thức được nhiệm vụ thiết yếu về chuyển đổi sang nền tảng IPv6 từ những năm 2018-2019, Trung tâm CNTT đã tham mưu cho Bộ VHTTDL cử cán bộ quản lý và nhân sự chuyên môn về CNTT tham gia các khóa học đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng hướng tới nhiệm vụ chuyển đổi IPv6 của Bộ Thông tin và Truyền thông và đầu mối là VNNIC.
Giảng viên của Trung tâm Internet Việt Nam.
Ngoài ra Trung tâm CNTT cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho Bộ VHTTDL giai đoạn 2021-2025. Song song với việc này Trung tâm cũng đã tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến về nhiệm vụ chuyển đổi IPv6 cho các cơ quan đơn vị đầu mối của Bộ VHTTDL.
Được biết, Kế hoạch triển khai chuyển đổi IPv6 cho các hệ thống CNTT của Bộ VHTTDL giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6; Tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam và phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới.
Kế hoạch chuyển đổi sang IPv6 của Bộ VHTTDL đặt ra 3 giai đoạn với 7 giải pháp thực hiện.
100% cổng/trang thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của Bộ hoạt động tốt với IPv6, sẵn sàng khả năng hoạt động thuần IPv6.
Chuyển đổi toàn bộ hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ kết nối internet và hệ thống thông tin... sang hoạt động với IPv6. Sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.
Kế hoạch đặt ra 3 giai đoạn với 7 giải pháp thực hiện như tuyên truyền phổ biến các quy định về chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 phù hợp với lộ trình của quốc gia về IPv6 qua các hình thức; Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng thiết bị, mạng lưới, hệ thống máy chủ, dịch vụ, phần mềm; Hoàn thành các thủ tục đăng ký xin cấp dải địa chỉ IPv6 và số hiệu mạng ASN; Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP) thực hiện quảng bá dải địa chỉ và số hiệu mạng ASN trên internet; Phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP), đơn vị phát triển các phần mềm để triển khai nâng cấp, sử dụng IPv6 trên hạ tầng, dịch vụ và ứng dụng CNTT mà các đơn vị cung cấp cho hệ thống công nghệ thông tin thuộc Bộ VHTTDL theo đúng lộ trình; Thực hiện chuyển đổi đối với các hệ thống internet, hệ thống DNS và các hệ thống khác; Triển khai hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang IPv6 tại cơ quan, đơn vị.
PV (T/h)