Triển khai quét mã QR trong thanh toán tiền điện

09:15, 27/10/2021

Để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) vừa triển khai thành công quét mã QR trong thanh toán tiền điện.

Với cách này, khách hàng chỉ cần quét mã QR trên bản thể hiện hóa đơn điện tử để thanh toán tiền điện mà không cần nhập mã khách hàng. Hiện nay, mã QR đã được tích hợp với ví điện tử Payoo, MoMo, Vimo, Zalopay và dịch vụ Internet banking của các ngân hàng Sacombank, BIDV, Vietcombank.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc thanh toán trực tuyến đang là xu hướng phổ biến, khách hàng chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là đã có thể thanh toán, vừa không mất phí lại vừa bảo đảm được sự an toàn cho bản thân, xã hội, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Trong đó, hình thức thanh toán tiền điện qua mã QR đã và đang đem lại nhiều trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng nhờ sự linh hoạt, nhanh chóng và an toàn.

Tháng 8/2021, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện chủ trương “Ai ở đâu thì ở đó”, người dân được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chị Lê Hoàng Linh (31 tuổi, phường Thạch Thang, quận Cẩm Lệ) - một khách hàng của Điện lực Cẩm Lệ vốn quen với việc thanh toán tiền mặt trực tiếp, rất lo lắng khi việc hạn chế ra khỏi nhà có thể khiến gia đình chị không thể đóng tiền điện đúng hạn.

Để giải đáp thắc mắc của mình, chị Linh đã lập tức gọi vào Tổng đài 19001909 - Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền trung và được các tổng đài viên hướng dẫn cho nhiều phương thức thanh toán trực tuyến thuận tiện mà trước đây chị chưa một lần thử qua.

“Ngay sau khi được tổng đài viên giới thiệu cho phương thức thanh toán tiền điện qua mã QR được in trên hóa đơn mà Điện lực gửi về email, tôi lập tức mở ứng dụng MoMo có sẵn trong máy, quét mã QR và việc thanh toán đã hoàn thành chỉ chưa đầy 2 phút, đúng là nhanh như… điện. Thật sự mình cảm thấy rất bất ngờ và thuận tiện vì việc thanh toán không tiếp xúc, không phải đi lại, không phải dùng tiền mặt hay hóa đơn giấy, thời buổi phòng ngừa dịch bệnh như hiện nay thì hình thức thanh toán này thật sự an toàn và phù hợp”, chị Linh chia sẻ.

Khách hàng tự thanh toán tiền điện bằng quét mã QR trên hóa đơn điện tử.

Việc thanh toán qua mã QR đã đem lại sự tiện lợi lớn cho khách hàng cũng như ngành điện. Khách hàng với người thu tiền điện không tiếp xúc, không phải ra khỏi nhà thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất thấp. Ngoài ra, việc thanh toán được thực hiện nhanh vì mọi thông tin đã được tích hợp sẵn trong mã QR nên không cần phải nhập thủ công dễ nhầm lẫn, sai sót.

Bà Lê Thị Phương Cẩm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền trung cho biết: “Tổng công ty Điện lực miền trung đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 95% tổng số khách hàng sử dụng điện của Tổng công ty. Với những kết quả ghi nhận đến thời điểm hiện nay, khi khách hàng tỏ ra hài lòng và ngày càng quan tâm đến các ứng dụng thanh toán trực tuyến, Tổng công ty Điện lực miền trung và các đơn vị đang đi đúng hướng và bắt nhịp được với các xu hướng công nghệ mới. Khi khách hàng cảm thấy tin tưởng, hài lòng và thuận tiện hơn trong các dịch vụ thì đó cũng là thành công của Tổng công ty Điện lực miền trung cũng như các đối tác thanh toán có hợp tác với Tổng công ty”.

Để triển khai quét mã QR cũng như các ứng dụng thanh toán trực tuyến khác, thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền trung đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác thanh toán, đặc biệt là các đối tác có ưu thế về công nghệ và tệp khách hàng. Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn Tổng công ty Điện lực miền trung đã đạt 90,68%, vượt 3,47% so với kế hoạch và tăng 3,25% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, về tỷ lệ khách hàng, thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt 73,3%, vượt 5,83% kế hoạch và tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự quan tâm ngày càng cao của khách hàng đối với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiệu quả ứng dụng quét mã QR cũng như các ứng dụng công nghệ khác trong thanh toán đã thể hiện rõ đặc biệt ở khía cạnh trải nghiệm khách hàng - khách hàng cảm thấy hứng thú hơn, thuận tiện, dễ thao tác hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khách hàng đã chủ động tìm đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế đi lại và tiếp xúc đông người, khi đó, các ứng dụng thanh toán mới mẻ và thuận tiện này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng sử dụng điện.

Thùy Dung (T/h)