Trong 4 tháng đầu năm đã có hơn 110.000 tài khoản chứng khoán được mở mới
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 4/2021, đã có 110.655 tài khoản chứng khoán được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 99,4%.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt mốc 110.000 tài khoản. Trước đó, tháng 3/2021 ghi nhận kỷ lục 113.191 tài khoản mở mới.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020). Đáng chú ý, lượng mở tài khoản mở mới trong năm 2020 là con số kỷ lục từ trước tới nay, gần gấp đôi năm trước đó.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Theo các chuyên gia, việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là: Lãi suất huy động đang ở mức thấp; Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9; Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới; Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực và Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới.
Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Trong 4 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 14.000 tỷ đồng trên HoSE, gần bằng lượng bán ròng trong cả năm 2020. Dòng tiền từ các nhà đầu tư "F0" cũng góp phần quan trọng giúp VN-Index hồi phục mạnh và hiện đang vững vàng trên mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường cũng duy trì mức rất cao với giá trị giao dịch các phiên thường ở mức 20.000 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 4, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,1 triệu, tương đương khoảng 3,1% dân số.
Cũng trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 534 tài khoản, tương đương tháng trước và là những tháng có số nhà đầu tư nước ngoài mở nhiều nhất trong vòng 3 năm qua.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) chơ biết, Việt Nam được định vị trong vùng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn so với các thị trường khác trên thế giới như nhóm MSCI các thị thị trường phát triển và thị trường mới nổi, cũng như một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Trong khi đó, thị trường Việt Nam vẫn được định giá tương đối hấp dȁn với mức P/E hiện tại, thấp hơn nhiều thị trường khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Malaysia.
Việt Nam cũng được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS cao trong năm 2021, nằm trong số các thị trường đã lấy lại mốc EPS trước dịch (năm 2019). Trong khi đó, nhiều thị trường như Thái Lan, Philippines, Singapore và Hong Kong được dự báo chưa thể hoàn toàn hồi phục như lúc trước dịch. Với triển vọng tăng trưởng EPS cao, thị trường Việt Nam nằm trong nhóm có P/E dự phóng thấp, hàm ý tiềm năng tăng giá trong dài hạn.
Sau kết quả kinh doanh quý I cao hơn kỳ vọng, MASVN quyết định nâng dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 từ mức 20% lên 28%.
"Với mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 14 đến 18 lần, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.130 đến 1.480 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.300 điểm", nhóm chuyên gia cho hay.
Mai Ngọc (t/h)