Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 tại Long An được đưa vào hoạt động
Ngày 15/8, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An chính thức đi vào hoạt động.
Trung tâm Hồi sức tích cực là tuyến cuối trong bậc thang điều trị COVID-19 tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận.
Trung tâm có chức năng tổ chức tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 được thi công thần tốc trong vòng 11 ngày với 5 phân khu chức năng gồm: khu tiếp đón, khu hồi sức tích cực, khu điều trị bệnh nền nặng, khu điều trị bệnh nền nhẹ và khu bệnh nhân chờ ra viện.
Ngoài ra còn khối hỗ trợ gồm khoa dinh dưỡng và khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tại đây được lắp đặt hệ thống giường ICU, hệ thống khí y tế dẫn khí đến từng giường điều trị, máy thở HSNC và nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại khác.
Giường bệnh, trang thiết bị y tế tại Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Công Hoàng cho biết, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Long An có quy mô ban đầu 150 giường bệnh do đội ngũ 158 cán bộ y tế đến từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đảm nhiệm về mặt chuyên môn.
Đây là những người có chuyên môn cao, trong đó nhiều người đã có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng được trang bị nhiều thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị… đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, góp phần giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, tính đến nay, Long An đã ghi nhận hơn 14.400 ca nhiễm, trong đó đã có hơn 163 ca tử vong; số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh đặt ra những yêu cầu cấp bách về cơ sở thu dung, điều trị kịp thời cho các ca bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, nguy kịch.
Việc đưa Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đội ngũ y, bác sỹ giỏi, tận tâm, tận lực, Trung tâm sẽ là nơi điều trị, cứu chữa kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch, giảm nguy cơ tử vong tại địa phương.
Trước đó, ngày 29/7, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.
Theo nội dung Đề án, sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia trên cả nước đặt tại 12 bệnh viện lớn trên cả nước và các Trung tâm hồi sức tích cực vùng.
Cụ thể, ở các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện lớn được giao chỉ tiêu số bệnh giường hồi sức tích cực như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (1.000 giường); các bệnh viện: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Trung ương Huế, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, mỗi bệnh viện 500 giường; các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phổi Trung ương, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh 300 giường. Riêng các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh là 3.000 giường.
Với Trung tâm hồi sức tích cực vùng, các bệnh viện được Bộ Y tế phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên cơ sở lựa chọn khoa, phòng, trung tâm hoặc khu vực phù hợp trong bệnh viện, riêng biệt với các khoa/phòng khác.
Giao chỉ tiêu số giường bệnh hồi sức tích cực cho các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực vùng: mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).
Thu Hương (T/h)