TS. Nguyễn Chí Công: "Sáng tạo, nhiệt huyết thì luôn luôn có đất sống cho thế hệ trẻ"

Nguyệt Hằng 21:13, 15/03/2020

TS. Nguyễn Chí Công nhận định: "Chỉ cần có sự sáng tạo, nhiệt huyết thì luôn luôn có đất sống cho thế hệ trẻ, bảo tàng này là để ghi lại, kể lại những chặng đường đã qua, những khó khăn và thành tựu với mong muốn thức đẩy lòng tự tin cho thế hệ trẻ. Bằng chứng là các sản phẩm, mô hình, công nghệ..."

CNTT là ngành ứng dụng công nghệ quản lý và xử lý thông tin, đặc biệt trong các cơ quan tổ chức lớn. Đây là ngành có ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề khác nhau của xã hội, nhất là trong những nước đang phát triển.

Ở Việt Nam công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại - chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.

CNTT xuất hiện đã tạo ra bước phát triển vượt bậc giúp ích cho đời sống xã hội và con người, nó không chỉ ảnh tới tất cả mọi mặt của đời sống xã hội mà còn mở ra những chân trời mới, những khám phá sáng tạo mới cho con người. Và khi nhắc đến người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng CNTT Việt Nam chúng ta không thể không nhắc tới Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Tin học Việt Nam - một trong những người sáng chế ra chiếc máy tính đầu tiên ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Tin học Việt Nam.

Đau đáu việc gìn giữ lịch sử ngành CNTT

Theo tìm hiểu, được biết, sau khi học trung học ở Hà Nội xong, ông được cử sang Tiệp Khắc (cộng hòa Czech ngày nay) du học, để rồi gắn bó với ngành CNTT đến bây giờ. Ngay sau khi về nước, làm việc tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), ông đã có thói quen lưu giữ những kỷ vật, tài liệu liên quan đến công việc.

Lo sợ lịch sử nền CNTT bị cách mạng 4.0 làm lu mờ, TS. Công đã lên ý tưởng thành lập một bảo tàng CNTT lưu trữ thông tin, hiện vật cho thế hệ sau, để chúng hiểu rằng trên thực tế ngành CNTT Việt Nam đã ghi được dấu ấn trên trên bản đồ thế giới và có những bước đi đầu tiên từ rất sớm và đang ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Sau khi lên ý tưởng thành lập bảo tàng CNTT, TS. Công nhận được nhiều hưởng ứng từ những người học trò cũ cũng như các bạn bè, Việt kiều. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều nhà tài trợ ủng hộ thầm lặng và giấu tên. Sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người đã thôi thúc TS. Công xúc tiến thực hiện bảo tàng.

Một số hiện vật ở Bảo tàng CNTT.

Hiện tại, bảo tàng đang trưng bày khoảng 300 hiện vật, sách vở và sơ đồ khái quát lịch sử hình thành và phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam và thế giới. Một trong các hiện vật cổ nhất hiện được trưng bày là cuốn sách về CNTT được xuất bản tại Hà Nội năm 1975.

Chia sẻ việc sắp xếp bảo tàng, TS. Công cho biết hầu như đều do TS. Công thực hiện từ thu thập, phân loại cho đến thuyết minh. Nhiều bạn trẻ tham gia bảo tàng không hình dung được đoạn đầu lịch sử của ngành diễn ra như thế nào nên TS. Công phải trực tiếp thực hiện.

TS. Công cho biết, số hiện vật tại bảo tàng được thu thập trong vòng 40 năm, tương ứng với quãng đời ông làm CNTT, bên cạnh đó còn có cả đóng góp của một số anh em, bạn bè và Việt kiều gửi về, tuy nhiên khối lượng hiện vật lớn nhất vẫn là của TS. 

"Lúc bắt đầu làm CNTT tôi đã ý thức được rằng cái mình làm là chưa từng có, cộng với việc yêu thích lịch sử từ bé nên tôi biết những gì khởi đầu đều là những thứ quan trọng nhất, vì vậy, những thứ người ta làm được thì mình cũng làm được, thậm chí hiện vật của mình có vừa nhiều vừa cổ hơn họ. Người Việt Nam mình trước giờ không mê lịch sử nhiều, vì vậy tôi nghĩ mình cần phải giữ lại nền móng cho đời sau hiểu”, TS. Công chia sẻ.

Sáng tạo, nhiệt huyết, kỷ luật - giới trẻ sẽ luôn luôn có đất sống!

TS. Võ Chí Công cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay là do ông may mắn từng được làm việc với một số nhân vật tiêu biểu cho các bộ phận lớn trong nền CNTT Việt Nam như GS Tạ Quang Bửu, KS Dương Quang Thiện, các GS Phan Đình Diệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Đình Ngọc... Từ cuối thập niên 1960, ông và các đồng niên đã có những cuốn giáo trình in bằng tiếng Việt đầu tiên về máy tính điện tử, về lập trình do GS Nguyễn Bá Hào và các đồng nghiệp biên soạn và giảng dạy trong khi cuộc chiến ở Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt. Đến năm 1980 bị Mỹ cấm vận, KS Dương Quang Thiện vẫn xuất bản những cuốn sách về việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý xí nghiệp.

Nhóm "Cafe lịch sử" thường xuyên trao đổi, bàn luận các vấn đề vào sáng thứ 7 hàng tuần tại Bảo tàng CNTT.

"Người Việt ta không hề kém, từng mốc lịch sử ngành CNTT của Thế giới như thời đầu phát minh máy tính điện tử đầu tiên có ông Đào Trọng Thi là ví dụ, luôn có người Việt tham gia và song hành. Cho đến tận ngày nay, chúng ta không hề thua kém bất cứ quốc gia nào, nhưng để phát triển, từng ngành, nghề, lĩnh vực thì phải phụ thuộc khá nhiều vào sự hiểu biết và nhìn nhận của lãnh đạo...Công nghệ thông tin chỗ nào sáng, ứng dụng tốt, đều do lãnh đạo sáng..." TS. Công trầm ngâm nói.

Tại cuộc trao đổi bàn về sự sáo rỗng, ngụy từ trong cách làm việc, cuộc sống với nhóm "Cafe lịch sử", TS. Nguyễn Chí Công nhận định, chỉ cần có sự sáng tạo, nhiệt huyết thì luôn luôn có đất sống cho thế hệ trẻ, bảo tàng này là để ghi lại, kể lại những chặng đường đã qua, những khó khăn và thành tựu với mong muốn thức đẩy lòng tự tin cho thế hệ trẻ. Bằng chứng là các sản phẩm, mô hình, công nghệ... Trong thời đại Cách mạng Công nghệ 4.0 lớp trẻ cần phải có một hệ thống vững chắc để làm tiền đề, bên cạnh đó cần phải làm việc một cách dân chủ và kỷ luật.

Các nhân vật, hiện vật ở bảo tàng, sự kiện lịch sử có sức thuyết phục hơn sách giáo.

Trao đổi với PV Tạp chí Công nghệ và Đời sống, TS. Công cho biết, thời gian tới bảo tàng sẽ được mở rộng, ông hi vọng mọi người sẽ cùng ông hoàn thiện Bảo tàng CNTT. "Sau này nếu có điều kiện, nếu như Nhà nước muốn quốc hữu hóa. Tôi cũng sẵn sàng tặng, vấn đề là phải có nguyên tắc làm việc. Làm việc kiểu tập thể và không phụ thuộc nhà nước, cái nhà nước hỗ trợ còn quyền quyết định là được người dân bầu ra, yếu tố lịch sử phải khách quan, chính xác và yếu tố kĩ thuật phải đảm bảo", TS. nói thêm.

Bảo tàng hiện đặt tại nhà riêng của TS. Nguyễn Chí Công tại số nhà 89 ngõ 41 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội (cạnh Nhà Văn hoá C14, Khu tập thể Kim Liên), ngoài ra các bạn cũng có thể tham khảo thêm các bài viết của TS. Nguyễn Chí Công trên 2 trang web http://360.hncity.org/ và http://dongtac.hncity.org.

Ngoài ra người quan tâm có thể tham khảo mô hình 3D để có thể hình dung toàn cảnh bảo tàng tại đây.

Nguyệt Hằng - Thanh Tùng