Từ 1/7, hàng Việt vào EU qua thương mại điện tử phải nộp thuế VAT
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, từ ngày 1/7 tới, các giao dịch điện tử theo phương thức từ doanh nghiệp đến khách hàng EU sẽ bị áp thuế giá trị gia tăng (VAT).
Khi tiến hành bán hàng, người bán hoặc sàn giao dịch phải thu thuế VAT theo mức tại nước của người mua. Điều này có nghĩa là sàn giao dịch hoặc người bán phải biết thuế VAT của nước khách hàng.
Doanh nghiệp bán hàng trực tuyến vào EU sẽ phải nộp thuế VAT từ ngày 1/7/2021. (Ảnh minh họa: The Financial Express)
Với quy định mới này, nếu người bán đăng ký trên thủ tục một cửa nhập khẩu (IOSS) của từng nước thành viên, khách hàng sẽ biết giá cuối cùng, đã bao gồm VAT, không có phí hoặc lệ phí ẩn. Trong trường hợp người bán không đăng ký IOSS, khách mua hàng trực tuyến sẽ thanh toán VAT khi nhập khẩu hàng hóa vào EU.
Các nhà cung ứng dịch vụ logistics như bưu điện hoặc người giao hàng có thể tính thêm phí thông quan cho khách hàng để thu khoản VAT này và hoàn thành các thủ tục cần thiết khi nhập khẩu hàng hóa. Bởi khách hàng EU đã quen với giá bao gồm VAT nên việc thanh toán các khoản phí bổ sung tại thời điểm nhận hàng có thể dẫn đến việc khách hàng từ chối gói hàng được đề cập.
Ngoài ra, nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU và chỉ định một đối tác tại nước EU đó để làm các thủ tục khai báo và nộp thuế VAT theo quy định.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng cho biết, thời gian qua, bưu điện của Bỉ đã thử nghiệm thu phí đối với giao dịch thương mại điện tử ngoài EU trong bối cảnh chưa có nhà kinh doanh nào đăng ký IOSS.
Thực tế, mua hàng trực tuyến từ ngoài vào EU đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng rất nhiều. Đối với những món hàng vài chục Euro, thuế VAT tương ứng chỉ mất vài Euro nhưng phí khai thuế VAT của bưu điện lại lên đến hơn 10 Euro. Nếu tính trên tỷ giá mặt hàng thì rất lớn. Do đó, có nhiều khách hàng từ chối nhận hàng hoặc hoàn trả sản phẩm.
Do đó, theo quy định mới này, lợi ích mang đến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp rất rộng và đa dạng. Người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến từ bên ngoài hoặc bên trong EU, thuế VAT được áp dụng giống như đối với hàng hóa mua tại đây.
Bên cạnh đó, các quy định mới này đảm bảo VAT được thanh toán tại nơi tiêu thụ hàng hóa. Còn đối với doanh nghiệp EU, quy định này sẽ giúp phát triển trong môi trường đơn giản hơn, công bằng hơn và vượt qua các rào cản đối với bán hàng trực tuyến xuyên biên giới.
Đặc biệt, nhờ việc tăng thanh toán thuế VAT, tất cả các quốc gia thành viên sẽ được lợi hơn bởi điều này sẽ hạn chế việc gian lận thuế VAT.
Quy định mới này đã vượt qua các rào cản bán hàng trực tuyến xuyên biên giới, giúp giải quyết các thách thức phát sinh từ thuế VAT đối với việc bán hàng từ xa và nhập khẩu các lô hàng có giá trị thấp.
Thống kê cho thấy, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro, tăng 35% so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ Euro). Dự báo năm 2022, con số này sẽ đạt 220 tỷ Euro, tức tăng gấp đôi so với doanh số năm 2019 (108 tỷ Euro).
Minh Thùy (T/h)