Tự động hóa góp phần đột phá việc khám chữa bệnh trong ngành y

06:15, 14/07/2025

Nhờ công nghệ tự động hóa, hành trình khám chữa bệnh trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng. Không còn chen chúc chờ đợi, không lo thất lạc hồ sơ, bệnh viện tự vận hành chính xác sau chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Hiện ở Việt Nam, nhiều bệnh viện trong nước, đã ứng dụng các hệ thống công nghệ như AI, thiết bị IoT, phần mềm quản lý thông minh, máy tự động vào quá trình khám chữa bệnh và vận hành như quầy tiếp nhận bệnh nhân, phòng xét nghiệm, nhà thuốc, hệ thống lưu trữ hồ sơ y tế,... Rất nhiều công đoạn khám chữa bệnh, vận hành trong bệnh viện đang được số hóa và tự động hóa, biến mỗi lần khám chữa bệnh của bệnh nhân trở thành một trải nghiệm thuận tiện, nhanh chóng.

Robot Artis Pheno với cánh tay tích hợp hệ thống chụp mạch máu thông minh giúp định vị, dẫn đường cho bác sĩ trong can thiệp nút mạch. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Quá trình tự động hóa diễn ra như thế nào?

Tại ki-ốt tự động, bệnh nhân chỉ cần quét mã BHYT là nhận số thứ tự, được hướng dẫn chi tiết trên màn hình cảm ứng. Dữ liệu cá nhân và lịch sử bệnh được hệ thống ghi nhớ, hồ sơ y tế được lưu trữ điện tử không còn lo thất lạc hay nhầm lẫn.

Khi vào phòng khám, các thiết bị đo sinh hiệu tự động, máy siêu âm, máy chẩn đoán hình ảnh tích hợp AI giúp bác sĩ nhận diện bất thường chính xác hơn.

Ở nhà thuốc, robot cấp phát thuốc thay con người, giảm rủi ro nhầm lẫn. Ngay cả mẫu xét nghiệm hay thuốc cũng được vận chuyển tự động qua đường ống, tiết kiệm hàng giờ di chuyển của nhân viên.

Cứu cánh của ngành y

Tự động hóa giúp giải bài toán nan giải của bệnh viện như quá tải, thủ tục rườm rà, nguy cơ lây nhiễm, thiếu nhân lực, đồng thời giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi cho bệnh nhân. Tại các nước tiên tiến như Hàn Quốc hay Singapore, robot đã thay con người vận chuyển mẫu giữa các khoa, giảm tiếp xúc chéo - điều tối quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.

Tại Việt Nam, thực tế cho thấy, nhiều bệnh viện tại TPHCM sau khi áp dụng hệ thống phân luồng tự động và đặt lịch khám qua app đã giảm đáng kể thời gian chờ khám. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ứng dụng robot vận chuyển mẫu xét nghiệm giúp tiết kiệm 30% thời gian di chuyển của nhân viên.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (BVĐK Tâm Anh), chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI, cụ thể là sử dụng Robot AI trong hỗ trợ điều trị bệnh, đã giúp bệnh viện có những đột phá vượt bậc trong quá trình điều trị, mang đến những thay đổi ngoạn mục trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý mạch máu.

Cụ thể, nhiều bệnh lý nặng trước đây khiến y học "bó tay", nay lại khiến các bác sĩ tự tin điều trị thành công nhờ sự hỗ trợ của robot và AI tại hệ thống. Từ khi ứng dụng mổ Hybrid, tỷ lệ biến chứng và tử vong sau mổ bệnh mạch máu phức tạp giảm từ 50 - 70% chỉ còn 10%. Ví dụ, bệnh nhân Trung Vũ (80 tuổi, ở Hà Nội) là một trong hàng trăm bệnh nhân được mổ và can thiệp bằng phương pháp này. Ông nhập viện tại BVĐK Tâm Anh trong tình trạng chân trái yếu đến mức không cử động được, phải ngồi xe lăn. Ông được bác sĩ chẩn đoán bị tắc mạch chi dưới hai bên. Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ phải cắt cụt hai chân. Nếu can thiệp nhiều lần bằng stent các động mạch chậu, đùi, rồi mổ bắc cầu hai bên thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng do người bệnh tuổi cao, nhiều bệnh nền.

PGS-TS Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực - BVĐK Tâm Anh) cùng ekip quyết định thực hiện phương pháp Hybrid, kết hợp phẫu thuật và can thiệp ngay trong một cuộc mổ. Robot Artis Pheno chụp toàn bộ hệ mạch chi dưới đồng thời đo độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu, hỗ trợ bác sĩ chọn chính xác kích thước stent. Sau điều trị, bệnh nhân Trung Vũ hồi phục nhanh, chân trái được tưới máu tốt, có thể vận động nhẹ nhàng, thoát liệt.

Có thể thấy, việc áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào hệ thống khám chữa bệnh của ngành y, đã góp phần giảm tải bệnh viện, hỗ trợ nhân lực, là cứu cánh không nhỏ trong những ca chữa trị đặc biệt. Công nghệ còn giúp “giải phóng” đội ngũ y, bác sĩ khỏi những công việc giấy tờ tẻ nhạt, để họ tập trung vào điều quan trọng nhất: chăm sóc sức khỏe con người. Không còn phải ghi chép thủ công, tra cứu hồ sơ mất thời gian, mọi thông tin bệnh nhân đã có sẵn, chính xác, cập nhật theo thời gian thực.

Người nhà bệnh nhân cũng an tâm hơn khi có thể theo dõi tiến độ điều trị từ xa qua ứng dụng. Với bệnh nhân mãn tính như tiểu đường, hệ thống nhắc lịch tiêm insulin, cảnh báo khi nhập sai liều dùng, giúp giảm rủi ro đến mức tối thiểu.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số và áp dụng công nghệ đồng bộ, không chỉ là việc bổ sung đầy đủ máy móc trong các bệnh viện mà còn là quá trình chuyển đổi số đồng bộ cả hạ tầng, chuyển đổi tầm nhìn lấy người bệnh làm trung tâm. Khi mọi mắt xích được kết nối, hành trình khám chữa bệnh trở nên nhẹ nhàng, thân thiện và thú vị.

Tự động hóa đang lặng lẽ thay đổi bộ mặt y tế hiện đại từ tiếp nhận đến điều trị: máy móc 'gánh' những công việc lặp đi lặp lại, AI giúp phát hiện bất thường sớm, hồ sơ điện tử thay thế hàng chồng giấy tờ cồng kềnh,… Tức là, khi mọi khâu vận hành đều được tối ưu bằng công nghệ, bệnh viện không chỉ trở nên thông minh hơn, mà còn gần gũi và nhân văn hơn với mỗi người bệnh, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, bác sĩ có thêm thời gian để lắng nghe và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.