Tưởng niệm nhà văn Viết Linh và kỳ vọng mới cho khoa học giả tưởng tại Việt Nam

13:28, 08/10/2024

Nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất của nhà văn Viết Linh (22/12/2021 - 22/12/2024), Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) sẽ cùng với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức hội thảo “Nhà văn Viết Linh và Khoa học Giả tưởng Việt Nam”. Sự kiện này dự kiến được tổ chức vào ngày 16/12/2024 tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo giới trẻ và các nhà văn, nhà khoa học có mối quan tâm lớn đến khoa học giả tưởng.

Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu sinh năm 1931 tại huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) và từng là giáo viên THPT tại Hà Tây. Năm 1660, ông chuyển công tác về Nhà xuất bản Kim Đồng để làm Biên tập viên mảng sách khoa học.

Nhà văn Viết Linh có niềm đam mê rất lớn với khoa học giả tưởng và mong muốn của ông là bên cạnh các tác phẩm nước ngoài vốn rất thịnh hành ở Việt Nam như “Hai vạn dặm dưới biển” của Jules Verne, “Người cá” của Belayev… thì phải có các tác phẩm trong nước. Vì thế, ông đã vận động các nhà khoa học là cộng tác viên của Nhà xuất bản Kim Đồng cho sự nghiệp này nhưng không có kết quả. Vì thế, đến cuối thậm niên 1960, ông đã tự vắt trí não của mình để cho ra đời tập truyện “Quả trứng vuông”. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của nhà văn Viết Linh phải nói đến tiểu thuyết “Hành tinh Kỳ lạ” được Nhà xuất bản Kim Đồng cho in ra lần đầu tiên vào năm 1990. Trong tiểu thuyết này, ông đã đề cập đến một vấn đề hết sức thời đại của kỷ nguyên robot là con người ở xã hội hiện đại phải có được một bộ luật về ứng xử với người máy.

Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) sẽ cùng với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức hội thảo “Nhà văn Viết Linh và Khoa học Giả tưởng Việt Nam”.

Không chỉ đi đầu về khoa học giả tưởng, nhà văn Viết Linh còn nổi tiếng với nhiều tác phẩm như “Bản thông cáo viết trên lá cây” (viết chung với Phạm Văn Đỗ) (1959); “Luống rau kết nghĩa” (1962); “Gánh xiếc lớp tôi” (1963); “Lá thư cá rô phi” (1964); “Một trận hỏa mù” (1965);  “Chiếc xe đạp gỗ” (1967); “Ông than đá” (1969); “Quả xanh, quả chín” (1971); “Giấc mơ bay”, “Việc nhẹ nhất”, “Đúng như vậy”, “Ánh sáng vùng biển tối” (kịch bản phim hoạt hình); “Mái trường xưa”, “Huyền Trân công chúa” (tái bản đến 5 lần)… Năm 1992, tác phẩm “Mái trường xưa” của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Sự nghiệp của nhà văn Viết Linh có lẽ cũng rơi vào quên lãng nếu như không được giới trẻ quan tâm ủng hộ. Đầu năm 2008, lãnh đạo VAYSE đã đến thăm nhà văn Viết Linh và cho biết, khoa học giả tưởng chính là khát vọng, ước mơ của thế hệ trẻ và VAYSE có trách nhiệm phát triển thể loại văn học nghệ thuật này. Trong khi chưa chế tạo được những cỗ máy thực, các nhà khoa học cần biết chế tạo “cỗ máy mơ ước” thông qua những tác phẩm văn học nghệ thuật của mình.

Tuy nhiên, đây chắc chắn là một công việc khó khăn và không dễ thực hiện vì theo dịch giả Đỗ Ca Sơn – người đã dịch tác phẩm “Hai vạn dặm dưới biển” của nhà văn Jules Verne thì để sáng tác các tác phẩm khoa học giả tưởng thì tác giả của nó phải vừa là nhà khoa học vừa là nhà văn và còn phải có tư duy đi trước thời đại cho tác phẩm của mình. Dịch giả Đỗ Ca Sơn hết sức trân trọng nhà văn Viết Linh – người đã đi đầu trong sự nghiệp sáng tác cho thể loại nghệ thuật về khoa học giả tưởng tại Việt Nam. Theo ông, chính thế hệ trẻ Việt Nam với những hành trang về khoa học công nghệ cùng niềm đam mê nghệ thuật thì chắc chắn sẽ kiến tạo ra một chương mới cho khoa học giả tưởng nước nhà.

Thay mặt Ban tổ chức hội thảo về nhà văn Viết Linh, ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch VAYSE cho biết, tham gia sự kiện này không chỉ có công chúng yêu khoa học giả tưởng mà còn có cả các chuyên gia về nghiên cứu chiến lược. Vì thế, sớm muộn gì thì khoa học giả tưởng phải có chỗ đứng xứng đáng trong việc xây dựng các chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ bên cạnh vị thế trong tổng thể văn học nghệ thuật nước nhà như mong muốn của nhà văn Viết Linh.