Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình ở tỉnh thành còn rất hạn chế, mới chỉ đạt 17%
Theo thống kế, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình các bộ/ngành đạt gần 60% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình đạt 50%. Tuy nhiên, với khối tỉnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình còn rất hạn chế, mới đạt 17%...
Ảnh minh họa
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện ước đạt 100%. Hiện có 83/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 81% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 48%.
Hiện nay, toàn quốc có 62/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê, với khối bộ, ngành, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình đạt 59,68%. Một số bộ, ngành đạt 100% như các Bộ: Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Lao động- Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên còn một số bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình đạt 50%; trong đó, Bộ Công Thương đạt tỷ lệ cao nhất 79,94%; Bộ Ngoại giao (có 1 dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhưng không phát sinh hồ sơ trực tuyến toàn trình); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (không có dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với những thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ).
Ở khối tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình đạt 55,38%. Một số địa phương triển khai rất tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Đà Nẵng (95,56%). Còn nhiều địa phương triển khai hạn chế, với 28/63 tỉnh mới chỉ triển khai dưới 50% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trong đó Bà Rịa- Vũng Tàu đạt tỷ lệ thấp nhất 24,2%).
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của khối tỉnh còn rất hạn chế, mới đạt 17%. Có địa phương đạt khá (như TP. Đà Nẵng khoảng 64,94%) nhưng cũng có địa phương triển khai còn hạn chế (như Lạng Sơn chỉ khoảng 11,67%).
Với hiện trạng triển khai cung cấp và sử dụng còn hạn chế như trên, đặc biệt là ở khối tỉnh (mới đạt 17% hồ sơ trực tuyến toàn trình) cho thấy người dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cơ quan nhà nước.
Đối với cán bộ, công chức chưa giảm tải công việc khi vẫn phải xử lý nhiều hồ sơ không trực tuyến hoàn toàn, thậm chí còn làm tăng công việc khi phải xử lý song song trên bản giấy và bản điện tử.
Bên cạnh đó, với hiện trạng triển khai nêu trên, nguy cơ đến năm 2025 Việt Nam khó đạt được các mục tiêu về dịch vụ công trực tuyến đã đặt ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình; Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Để khắc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc với dịch vụ công trực tuyến, đối với các bộ ngành cần chủ động, thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính đối với các dịch vụ mà bộ, ngành chưa triển khai.
Đối với các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và khuyến nghị từng địa phương Danh mục chi tiết các thủ tục hành chính (chưa triển khai trực tuyến) có phát sinh hồ sơ trong năm 2024 để triển khai dịch vụ công trực tuyến (một phần và toàn trình) và Danh mục chi tiết các dịch vụ công trực tuyến một phần có phát sinh hồ sơ trong năm 2024 để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Cũng theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ số. Nền tảng NDXP hiện đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, Nền tảng đã kết nối 103 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương (cơ bản hết cơ quan cấp I); đã kết nối 10 cơ sở dữ liệu, 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP. Số lượng người dùng hàng tháng trong 90/103 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng số giao dịch từ khi đưa vào khai thác từ năm 2019 đến hết tháng 6/2024 ước đạt khoảng 2,2 tỷ giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024 phát sinh 471,44 triệu giao dịch và trung bình hàng ngày có khoảng 2,5 triệu giao dịch. |
Theo VnEconomy