Ứng dụng cao nhất KHCN vào quy hoạch chung TPHCM
Theo ông Phan Văn Mãi, yếu tố công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch của Thành phố. Tinh thần là Thành phố sẽ ứng dụng cao nhất có thể sự tiến bộ của KHCN trong quá trình triển khai quy hoạch trong thời gian tới để tối đa hóa nguồn lực vốn hạn chế của Thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu định hướng Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 28/12, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM tổ chức Hội nghị báo cáo lần 3 - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Xây dựng; bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng); Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường chủ trì Hội nghị.
Phát biểu định hướng Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi khẳng định qua 2 lần tổ chức, hội nghị đón nhận sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia, các cơ quan của Thành phố, trong nước và kể cả quốc tế. Từ đó, Sở Quy hoạch-Kiến trúc cùng với đơn vị tư vấn và các sở, ngành đã tiếp thu và tổ chức nghiên cứu sâu, trao đổi chuyên đề và phát triển theo hướng hoàn thiện hồ sơ này.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, vừa rồi Bộ KH&ĐT đã chủ trì cho ra phiên bản gần cuối quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ. Như vậy, chúng ta đã có Quy hoạch chiến lược quốc gia, Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ và giờ là Quy hoạch chung TPHCM, có sự đồng bộ giữa các quy hoạch này. Tại Hội nghị này, ông Mãi hy vọng các chuyên gia sẽ cho ý kiến để mở ra được không gian phát triển, tạo động lực mới cho sự phát triển nhưng phải khả thi trong kỳ quy hoạch.
Một vấn đề quan trọng, theo ông Mãi, là ứng dụng KHCN trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch. Lấy ví dụ, theo quy định cũ thì một khu xử lý rác có quy mô từ 150-200 ha, có khoảng cách an toàn với khu dân cư là 500m. Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý rác thì khoảng cách này có thể sẽ ngắn hơn, từ đó tác động đến quy hoạch. Vì vậy, yếu tố công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch của Thành phố. Ông Mãi khẳng định tinh thần là Thành phố sẽ ứng dụng cao nhất có thể sự tiến bộ của KHCN trong quá trình triển khai quy hoạch trong thời gian tới để tối đa hóa nguồn lực vốn hạn chế của Thành phố cho mục tiêu phát triển.
Còn theo ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Xây dựng, quy hoạch cần xác định rõ vị thế của TPHCM trong vùng ĐNB, làm rõ vị trí toàn cầu của TPHCM trong quá trình phát triển. Ngoài ra, việc tính toán dân số đối với TPHCM là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần làm nổi bật vai trò của sông Sài Gòn, sông Sài Gòn phải là biểu tượng của TPHCM.
Vai trò trung tâm của TPHCM đối với Vùng Đông Nam Bộ
Theo đơn vị tư vấn, định hướng phát triển không gian TPHCM là mô hình đô thị đa trung tâm. Theo đó Thành phố được tổ chức theo 5 vùng đô thị, với các trung tâm chính ở khu vực trung tâm TPHCM (vùng Sài Gòn, Chợ Lớn); Trường Thọ-Rạch Chiếc, Phú Mỹ Hưng (mở rộng), Tân Kiên, khu vực Đông Bắc Hóc Môn-Tây Nam Củ Chi.
Tại dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, đơn vị tư vấn xác định vai trò trung tâm vùng của TPHCM.
Về giải pháp kết nối Thành phố với các đô thị lớn của Vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tư vấn cho rằng cần xây dựng các trục từ TPHCM kết nối với các đô thị lớn trong vùng; hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 3, Vành đai 4; xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;
Đồng thời, tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về kết nối giao thông, TPHCM sẽ kéo dài trục động lực phía nam song song với Quốc lộ 50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang; bổ sung tuyến kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm Thành phố qua cầu Phú Mỹ 2;
Bổ sung kết nối về phía đông với Đồng Nai đến Quốc lộ 20 để giảm tải cho Quốc lộ 1 và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây; kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Về đường sắt, kết nối đường sắt TPHCM - Cần Thơ với TPHCM - Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội - Vành đai 2. Trong tương lai, đoạn tuyến Hòa Hưng - Bình Triệu - An Bình chuyển thành đường sắt đô thị.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
(https://tphcm.chinhphu.vn/ung-dung-cao-nhat-khcn-vao-quy-hoach-chung-tphcm-101231228091803455.htm)