Ứng dụng CNTT xóa khoảng cách chất lượng quản lý và dạy học
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học được ngành Giáo dục các địa phương vùng
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học được ngành Giáo dục các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm, đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn.
Giáo viên ứng dụng CNTT thiết kế bài giảng điện tử môn Tiếng Anh. Ảnh: Quách Mến
Công cụ hỗ trợ đắc lực
Đông Hải - một trong những huyện vùng sâu, xa của tỉnh Bạc Liêu. Toàn huyện có 41 trường học (từ mẫu giáo đến THPT). Ông Trương Hà Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và giảng dạy được các trường quan tâm thực hiện tốt.
Hiện 100% trường học trên địa bàn được trang bị phòng họp, phòng dạy học trực tuyến kết nối Internet, nhiều phòng học được trang bị camera giám sát. Số lượng cán bộ, giáo viên có kiến thức và khả năng cập nhật kiến thức, ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học đạt mức độ khá trở lên tăng dần theo năm. Nhiều điểm trường đã đưa vào khai thác, sử dụng các phần mềm trong quản lý, dạy học như: VnEdu, Smas, học bạ số... đạt hiệu quả.
Thầy Vũ Đức Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, xã Long Điền (Đông Hải) nhận định, chất lượng dạy và học của trường những năm gần đây có nhiều bước tiến do không ngừng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.
“Trường được đầu tư 2 phòng tin học, các phòng học có lắp màn hình tivi kết nối Interner phục vụ việc giảng dạy. Thời gian qua, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tăng cường soạn bài giảng điện tử vào dạy học.
Đồng thời đẩy mạnh sử dụng các phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian quan tâm đến học sinh, nghiên cứu chương trình và đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả”, thầy Quý nói.
Tại tỉnh Cà Mau, ứng dụng CNTT thời gian qua cũng được đẩy mạnh trong các trường học (100% cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống phần mềm quản lý nhà trường như Smas, vnEdu, Vietshool...).
Tất cả cơ sở giáo dục áp dụng các tiêu chí chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục từ mức độ cơ bản trở lên; trên 90% các sở giáo dục công lập trang bị chữ ký số cho giáo viên để ký sổ điện tử trong nhà trường, qua đó, thực hiện học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.
Cô Nguyễn Thu Em - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ A (Thới Bình, Cà Mau) cho biết: Nhà trường đang quản lý, chỉ đạo, điều hành giáo viên, nhân viên qua các ứng dụng phần mềm. Quản lý hồ sơ học sinh, thông tin liên lạc giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh cũng dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT.
“Tôi nhận thấy việc ứng dụng CNTT vào dạy học giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn và dễ tiếp thu hơn với học sinh, đặc biệt trong các môn học: Khoa học, Lịch sử, Ðịa lý, Âm nhạc, Tiếng Anh;... các kiến thức được mở rộng sâu sắc và phong phú hơn. Mặt khác, được tiếp cận nhiều CNTT mang đến cho học sinh những kỹ năng Tin học cần thiết ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Ðây chính là nền tảng, công cụ hỗ trợ đắc lực giúp học sinh thỏa sức sáng tạo với các buổi thuyết trình trước lớp, tăng cường khả năng tìm kiếm thông tin cho bài học, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học”, cô Thu Em chia sẻ.
Dù đóng chân trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) nhưng cơ sở vật chất của Trường THPT Đầm Dơi được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT của giáo viên vào giảng dạy.
“Tôi và đồng nghiệp trong tổ luôn tận dụng khai thác tối đa trang thiết bị CNTT của trường trong các tiết dạy. Dạy học hiện nay nếu không ứng dụng CNTT mà dạy theo cách cũ “thầy đọc trò ghi chép” sẽ không tạo sự hứng thú đối với học sinh. Đặc biệt với môn Tiếng Anh, nếu dạy có màn hình tivi, phòng lab... thì hiệu quả tăng lên rất nhiều”, thầy Nguyễn Trí Nhân - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh chia sẻ.
Một lớp học công nghệ thông tin tại Bạc Liêu. Ảnh: Quách Mến
Tiếp tục đẩy mạnh
Mặc dù việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học tại Cà Mau và Bạc Liêu thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước vẫn còn chậm, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD&ĐT Bạc Liêu đề ra trong năm học này là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong toàn ngành. “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT vào dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm:
Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; thực hiện học bạ số...”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu thông tin.
Các trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai hệ thống quản lý học tập như Moodle, Canvas, Blackboard để quản lý khoá học, bài giảng và theo dõi tiến độ học tập của học sinh.
Sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom để tổ chức các lớp học từ xa. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hoá học tập, phân tích dữ liệu lớn để đánh giá hiệu suất học tập, đồng thời phát triển nội dung số và tài liệu học tập nhằm tạo ra các nội dung học tập số hoá như video, bài giảng trực tuyến và sách giáo khoa điện tử. Qua đó, cung cấp tài liệu học tập đa dạng và phong phú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động, dễ hiểu hơn.
“Chúng tôi tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt với cơ sở giáo dục vùng khó khăn. Sở đang phối hợp với một số nhà mạng tổ chức triển khai các phần mềm trực tuyến về quản lý học sinh, điểm, công chức, viên chức, cơ sở vật chất, hồ sơ sổ sách...; trang bị phần mềm quản lý ngân hàng câu trắc nghiệm, chấm thi trắc nghiệm (Intest, Mark test) đến 100% trường THCS, THPT toàn tỉnh. Cùng đó, chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm để các nhà trường khai thác phục vụ cho kiểm tra, thi” ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin. |