Ứng dụng công nghệ mới trong ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn
Mới đây, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (VINASARCOM) đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa, tìm kiếm và cứu nạn”. Tham dự Hội thảo còn có đại diện của Chương trình Aus4Innovation cùng các chuyên gia.
Giáo sư Eryk Dutkiewicz - Trưởng Khoa Điện và Dữ liệu, Đại học Công nghệ Sydney cho biết, dự án “Chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa, tìm kiếm và cứu nạn” nhằm ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chuyển đổi số tiên tiến, đặc biệt là thiết bị bay không người lái được tích hợp xử lý, tính toán trí tuệ nhân tạo để nhanh chóng phát hiện người bị nạn trong các sự cố, thiên tai và công nghệ mô phỏng trong việc xây dựng các kịch bản huấn luyện trong môi trường ảo ba chiều phục vụ huấn luyện các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Đại học Công nghệ Sydney đã nghiên cứu công nghệ giám sát trên không và viễn thám thời gian thực vượt trội, được triển khai ứng dụng trong các vụ cháy rừng và trong các chương trình phát hiện, cảnh báo cá mập.
PGS. TS. Lê Kỳ Nam, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn cho biết, được sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn sẽ phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney trong phát triển công nghệ giám sát trên không và viễn thám phù hợp với điều kiện Việt Nam, phối hợp với VINASARCOM nghiên cứu xây dựng hệ thống huấn luyện mô phỏng huấn luyện lực lượng tìm kiếm, cứu nạn.
Ông Tăng Văn Ngọc, VINASARCOM nói: “Sự gia tăng thiên tai ở Việt Nam do những tác động từ hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng khó lường làm cho công tác ứng phó, tìm kiếm và cứu nạn ngày càng khó khăn vất vả. Với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, sự kết hợp của hai trường Đại học uy tín, hi vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, năng lực tìm kiếm và cứu nạn của Việt Nam. Đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Australia”.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các bên, cùng nỗ lực để triển khai Dự án nhằm đạt hiệu quả ứng dụng thực tế cao nhất.
Thiết bị bay không người lái.
Việt nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên, phải thường xuyên đối mặt với các tác động ngày càng gia tăng của cả điều kiện thời tiết khắc nghiệt và các thảm họa liên quan đến con người. Với địa hình phức tạp và đường bờ biển dài gần 3500 km, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai nhất trên thế giới, bao gồm bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất…
Thống kê cho thấy khoảng 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp ở Việt Nam có nguy cơ bị ngập lụt. Liên tiếp trong 20 năm vừa qua, Việt Nam đã phải hứng chịu hàng trăm cơn bão, trong đó có cả các cơn bão lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của mưa lũ bất thường đã dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương tập trung tại vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Khi xảy ra sự cố, thiên tai, các tuyến đường tiếp cận khu vực xảy ra sự cố thường bị ngập lụt, tắc nghẽn, sạt lở nghiêm trọng dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác tiếp cận ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.
Sử dụng thiết bị bay không người lái trong cứu hộ, cứu nạn.
Các hạn chế về công nghệ và thiếu các phương tiện tiên tiến và đào tạo thích hợp có thể gây ra những chậm trễ trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Những chậm trễ này có thể phải trả giá bằng mạng sống.
Do đó, Việt Nam hiện đã bắt đầu quan tâm, ứng dụng một số công nghệ mới trong ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Các thiết bị bay điều khiển từ xa bước đầu đã được đưa vào sử dụng để hỗ trợ công tác tìm kiếm tuy nhiên còn nhiều khó khăn, bất cập vì chủ yếu phải quan sát trực tiếp bằng mắt thường trên các ảnh được thiết bị truyền về.
Trước sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như cơ quan quản lý các cấp. Vào tháng 9/2021, Chính phủ Australia vừa công bố tài trợ gần 1,4 triệu AUD (đô la Úc) thông qua Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia (Aus4Innovation) hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho 4 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chuyển đổi số trong đó có dự án “Chuyển đổi số trong quản lý ứng phó thảm họa, tìm kiếm và cứu nạn”. Dự án được thực hiện bởi Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn với ngân sách 440.000 AUD.
Khôi Nguyên (T/h)