Ứng dụng công nghệ số trong phòng cháy, chữa cháy

11:05, 21/07/2023

Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) sẽ là bước ngoặt mới để giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng của người dân, đồng thời mang lại hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.

Toàn cảnh toạ đàm - Ảnh: VGP/HM

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) phối hợp với công an các đơn vị, địa phương và Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm "Các phương tiện PCCC và CNCH thông minh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", trong khuôn khổ "Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện PCCC và CNCH và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023".

Tại tọa đàm, tham luận của các đại biểu chủ yếu tập trung vào phát triển các thiết bị cảnh báo cháy sớm trên cơ sở ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC & CNCH chia sẻ, công nghệ PCCC tại Việt Nam đang ngày càng thông minh và tận dụng triệt để các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trung tá Bùi Ánh Quang, Giám đốc sản phẩm Tổng công ty Giải pháp Viettel cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực PCCC & CNCH sẽ là bước ngoặt mới để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng, đồng thời mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.

Viettel đã làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị cảnh báo sớm với hoả hoạn mà thời gian thông báo đến điện thoại của gia chủ không quá 10 giây. Các thiết bị này rất nhỏ gọn, kết nối không dây và pin của thiết bị có tuổi thọ tới 10 năm.

Thiết bị báo cháy liên kết loa thông minh.

Đại diện Cơ quan Quản lý PCCC và ứng phó thảm họa Nhật Bản (FDMA) cũng chia sẻ, các chuông báo cháy dân dụng điển hình chỉ có chức năng báo động và không có chức năng wifi, do vậy việc phát triển thiết bị đầu vào/đầu ra để liên kết hệ thống báo cháy dân dụng với loa thông minh là rất hữu dụng.

Đặc biệt, với việc có thể kết nối với internet, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các chức năng khác, như thông báo tự động và tiếp nhận cảnh báo thiên tai…

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn sơ tán bằng biển báo kỹ thuật số, ứng dụng điện thoại thông minh, đa ngôn ngữ và trực quan hóa bằng các ký tự cũng rất cần thiết. Trong trường hợp hỏa hoạn hoặc thảm họa khác, cần có hướng dẫn sơ tán bằng hình ảnh và đa ngôn ngữ để đảm bảo rằng nhiều người (người nước ngoài, người khiếm thính) trong tòa nhà có thể sơ tán an toàn.

Theo ông Suzuki Kazuo, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thiết bị chữa cháy quốc gia Nhật Bản (NFES), sự xuất hiện của các yếu tố và hỏa hoạn bất ngờ do không gian và môi trường sống mới ngày càng nhiều, vì vậy, rất cần thiết phải nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các thiết bị chữa cháy, tích hợp các công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống phòng chống thảm họa và hỏa hoạn thông minh.

Cũng tại toạ đàm, một nhà sản xuất robot đến từ Pháp đã chia sẻ về qua trình phát triển hệ thống robot chữa cháy đa năng, có khả năng tiếp cận dập tắt các đám cháy nguy hiểm và tại các vị trí mà con người khó tiếp cận, bảo vệ lính cứu hỏa khỏi các rủi ro, giải quyết các vấn đề về nhân lực và trang thiết bị, giảm lượng tiêu thụ nước và hạn chế sự ô nhiễm đất.

Theo baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-phong-chay-chua-chay-102230720162617193.htm