Ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết tại Bắc Giang, Bắc Ninh
PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, giải pháp công nghệ là lựa chọn tối ưu đối với công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay trong việc thần tốc truy vết F0, lập danh sách F1, F2.
Bắc Giang, Bắc Ninh đang là hai tâm dịch nóng khi dịch xâm nhập vào khu công nghiệp. Số ca mắc tăng lên từng ngày, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tỷ lệ F1 thành F0 rất lớn. Bộ Y tế đã điều động hơn 2.000 cán bộ y tế và còn đang tiếp tục điều động để hỗ trợ hai tỉnh này.
Theo ông Trần Quý Tường, đối với công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, việc thần tốc truy vết F0, lập danh sách F1, F2 rất quan trọng nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Đối với các địa bàn có số ca bệnh ít, nhân viên y tế và các lực lượng khác có thể truy vết được. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng nhiều, sẽ không đủ nhân lực để thực hiện việc truy vết trực tiếp tại địa bàn. Và lúc này, giải pháp công nghệ là lựa chọn tối ưu.
Về việc truy vết điện tử, hiện nay chúng ta có hai nguồn dữ liệu chính là từ ứng dụng Bluezone và Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế. Bluezone cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế bao gồm thông tin khai báo y tế, lịch trình di chuyển và lịch sử đi lại các địa điểm của người dân.
Để nhanh chóng kịp thời truy vết, Cục Công nghệ thông tin đã hỗ trợ hai địa bàn Bắc Giang và Bắc Ninh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
Ông Trần Quý Tường cho biết, tại Bắc Ninh, Sở Thông tin và truyền thông đã tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh thành lập Tổ phân tích thông tin để phân tích các nguồn dữ liệu, đề xuất việc truy vết, xét nghiệm và đánh giá nguy cơ lây lan, khuyến nghị kịp thời trong phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống tin nhắn được xây dựng nhằm triển khai nhanh chóng, kịp thời các chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh tới tận các thành viên Tổ Covid cộng đồng.
Đối với đối tượng công nhân, Ban quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Sở TTTT xây dựng phần mềm quản lý thông tin của toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp, giúp cho việc quản lý, giám sát, truy vết một cách nhanh chóng khi có ca bệnh tại khu công nghiệp; đồng thời cung cấp dữ liệu kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành. Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế, tổng số lượt khai báo y tế tại Bắc Ninh đến ngày 1-6 là 1.059.179.
Còn tại Bắc Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch, bệnh Covid-19, ngày 22-5-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản phát động và yêu cầu toàn thể người dân trong tỉnh thực hiện khai báo y tế (lần 2) để giúp các cơ quan chức năng theo dõi, quản lý những trường hợp có yếu tố dịch tễ, kịp thời phát hiện những người nghi ngờ lây nhiễm Covid-19. Sau ba ngày đã có 456.080 lượt khai báo y tế được ghi nhận trong hệ thống trên tổng số 881.400 lượt khai báo y tế của toàn tỉnh.
Ngày 22-5, với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tỉnh đã thành lập Tổ giám sát, truy vết điện tử gồm 15 thành viên từ Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Tỉnh đoàn. Các thành viên của Tổ đã được cấp tài khoản, tập huấn khai thác dữ liệu từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế để giám sát, truy vết.
Tính đến ngày 1-6-2021, Tổ đã thực hiện 3.976 cuộc gọi cho người dân khai báo y tế có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng người hoặc chuyển thông tin cho tuyến xã, huyện tiến hành xác minh, xử lý trực tiếp.
Đặc biệt dựa trên thông tin của hệ thống, Tổ đã phát hiện 66 ca F1 hiện đang cách ly tại nhà và đã chuyển thông tin cho tuyến huyện quản lý theo quy định.
Ngày 29-5-2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2666/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh covid-19, một trong những mục đích quan trọng của quyết định này là hỗ trợ thực hiện khai báo y tế điện tử giúp quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nếu như người dân và các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì khi có ca bệnh F0, việc truy vết, lập danh sách F1, F2 sẽ rất nhanh chóng, kịp thời.
Theo nhandan.vn