Ứng dụng KH&CN trong công tác pháp chế - động lực đổi mới hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật

17:20, 15/05/2025

Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới tư duy và phương pháp làm việc, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu số trong toàn bộ quy trình xây dựng và thực thi pháp luật.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, khoa học và công nghệ (KHCN) đã và đang trở thành nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật - một trụ cột quan trọng của bộ máy nhà nước - việc ứng dụng KHCN ngày càng được quan tâm và đầu tư bài bản hơn, góp phần hiện đại hóa công tác pháp chế, bảo đảm tính minh bạch, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới tư duy và phương pháp làm việc, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu số trong toàn bộ quy trình xây dựng và thực thi pháp luật.

Triển khai Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác pháp chế và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2024 của Chính phủ, trong đó xác định rõ định hướng "Ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực pháp lý; xây dựng nền tảng pháp luật số thống nhất, phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia", Bộ KH&CN nói chung và Ủy ban nói riêng đã đẩy mạnh ứng dụng phần mềm chuyên dụng, hệ thống quản lý văn bản quy phạm pháp luật, các công cụ phân tích chính sách và đánh giá tác động dựa trên dữ liệu thực tiễn.

Ủy ban đã bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc rà soát, phát hiện chồng chéo giữa các quy định pháp luật; phân tích mức độ tác động của chính sách; hoặc hỗ trợ dự báo tác động xã hội, kinh tế khi ban hành một văn bản mới. Những ứng dụng này không chỉ góp phần giảm tải cho đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn giúp quá trình xây dựng pháp luật trở nên khách quan, khoa học và sát thực tế hơn.

Để đáp ứng những yêu cầu mới trong công tác pháp chế gắn với KHCN, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động nói chung, đặc biệt là công chức, viên chức pháp chế cần chủ động thích nghi và thay đổi từ tư duy đến hành động. Cụ thể:

1. Tích cực học hỏi và ứng dụng công nghệ số trong công việc: Công chức cần thành thạo việc sử dụng các phần mềm quản lý văn bản, công cụ tra cứu pháp lý, nền tảng đánh giá chính sách điện tử và các ứng dụng hỗ trợ rà soát pháp luật. Việc cập nhật kỹ năng số, hiểu biết cơ bản về dữ liệu lớn và AI là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

2. Chủ động cập nhật chính sách, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước: Cần thường xuyên theo dõi và nắm vững các văn bản chỉ đạo như Chỉ thị 20/CT-TTg, Nghị quyết 50/NQ-CP và các đề án, chương trình liên quan đến chuyển đổi số trong ngành pháp luật.

3. Đổi mới tư duy làm việc, gắn kết chặt chẽ giữa pháp chế và cải cách hành chính: Không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công chức, viên chức và người lao động cần nhìn nhận vai trò của mình trong cải thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu quả quản trị công, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

4. Tăng cường công khai, minh bạch và giải trình trong xây dựng chính sách: Ứng dụng nền tảng số để công bố, tiếp thu ý kiến góp ý, đồng thời bảo đảm trách nhiệm giải trình chính sách trước người dân - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật.

5. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản: Việc chủ động rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp sẽ góp phần bảo đảm sự thống nhất và minh bạch của hệ thống pháp luật.

Khoa học - công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là động lực phát triển. Trong lĩnh vực pháp chế, việc ứng dụng KHCN chính là chìa khóa để xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, minh bạch, khả thi và thực sự gần dân. Đây là con đường tất yếu để pháp luật không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn trở thành điểm tựa phát triển cho một xã hội công bằng, văn minh, hội nhập và thịnh vượng.